Cách làm riêng phù hợp với thực tế địa phương

Cách làm riêng phù hợp với thực tế địa phương
2 giờ trướcBài gốc
Rác được bỏ vào túi đựng rác "thần kỳ" do Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Bình Định Trần Văn Vinh thiết kế. (Ảnh: Hoàng Vân/TTXVN)
Để triển khai hiệu quả mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bình Định đã có những cách làm riêng vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế, phù hợp với thực tế địa phương, vừa huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Đồng hành cùng ngư dân
Túi đựng rác “thần kỳ” là câu nói vui của nhiều ngư dân Bình Định sau khi sử dụng túi lưới đựng rác chuyên dụng cho tàu cá do Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, Tiến sỹ Trần Văn Vinh thiết kế.
Trong quá trình làm việc, Tiến sỹ Trần Văn Vinh nhận thấy không có chỗ đựng rác là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân bỏ rác xuống biển.
Mỗi chuyến đi biển, tàu chở theo rất nhiều hàng phục vụ sinh hoạt và hoạt động khai thác; đến khi về lại chật kín thùng, bao bì đựng, bảo quản hải sản.
Nếu gom rác vào túi nylon hay thùng nhựa sẽ chiếm một diện tích không nhỏ lại không bảo đảm vệ sinh.
Túi lưới đựng rác được thiết kế giúp ngư dân dễ dàng thu gom, lưu giữ rác thải.
Túi có thân và miệng túi được nâng đỡ bởi 3 vòng inox giúp tạo hình dạng cố định như cái phễu, có thể xoay tự do và chịu được tác động ngoại lực bởi sóng, gió khi tàu hoạt động trên biển mà không bị biến dạng. Túi có thể treo lên, xếp lại tùy theo nhu cầu sử dụng. Nếu túi bị hư hỏng, ngư dân có thể dùng cước để vá lại.
Túi lưới đựng rác đã trở thành công cụ quen thuộc và là vật dụng không thể thiếu trong hành trình vươn khơi bám biển của ngư dân Bình Định.
Rác được đưa lên xe, vận chuyển về Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn. (Ảnh: Hoàng Vân/ TTXVN)
Ông Phan Thanh Trưởng, chủ tàu BĐ 91052-TS, người đầu tiên trải nghiệm sản phẩm, chia sẻ: "Thiết kế của túi rất tiện lợi, dễ dàng sử dụng, đặc biệt là không chiếm nhiều diện tích. Chúng tôi treo túi phía sau tàu, gần khu vực sinh hoạt của thuyền viên để tiện thu gom rác."
Là doanh nghiệp đồng hành cùng mô hình, Công ty Hiệp lực phát triển Việt đã tặng mỗi tàu cá đem được 2 túi rác về bờ 1 xô nhớt. Công ty còn hỗ trợ miễn phí phần mềm Nhật ký rác điện tử được cài đặt trên điện thoại thông minh của ngư dân.
Dữ liệu (rác nhựa mang đi, rác mang về) trên ứng dụng sẽ cập nhật đồng bộ cho 3 cấp phân quyền người dùng là thuyền trưởng, nhân viên kiểm đếm và cán bộ quản lý.
Để ngư dân yên tâm với “đầu ra” của rác thải trên tàu, Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn đã thành lập Tổ thu gom rác thải nhựa tàu cá.
Cơ sở thu hồi vật liệu do Chính phủ Na Uy tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam được xây dựng trên diện tích 1.000m2, công suất xử lý 2-4 tấn nhựa/ngày. (Ảnh: Hoàng Vân/TTXVN)
Rác thải của tàu cá được Tổ thu gom mua đồng giá các loại là 4.000 đồng/kg, vận chuyển về nhà kho để tiến hành phân loại và ép thành kiện. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng giúp các tàu cá có thêm một khoản mua sắm những thứ cần thiết cho mỗi chuyến đi biển.
Đặc biệt, rác thải nhựa từ tàu cá sau khi được thu gom, phân loại sẽ được chuyển đến Cơ sở thu hồi vật liệu để tiếp tục được xử lý đáp ứng yêu cầu nguyên liệu đầu vào của Công ty Tái chế nhựa Duy Tân.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc chuỗi cung ứng của Công ty, cho biết Công ty Tái chế nhựa Duy Tân hỗ trợ đào tạo về phân loại nhựa, xây dựng thị trường phế liệu, đánh giá chất lượng của sản phẩm nhựa sau phân loại của Cơ sở.
Hoạt động của Cơ sở thu hồi vật liệu tạo nên một quy trình khép kín thuận lợi trong công tác thu gom và tái chế nguồn nguyên liệu sạch đạt chuẩn, tạo vòng đời mới cho phế liệu nhựa, góp phần giảm thiểu rác thải, tối ưu hóa nguồn tài nguyên và tạo ra một tương lai xanh hơn.
Chính sách tạo cú hích
Với việc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định ban hành Quyết định 89/QĐ-SNN ngày 28/2/2024 về quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương của tàu cá trong chuyến biển, Bình Định trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản.
Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá ngay trong khuôn viên Cảng cá Quy Nhơn. (Ảnh: Hoàng Vân/TTXVN)
Mục tiêu của Quyết định hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh; nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp hoạt động nghề cá, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030 và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Quyết định này áp dụng với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan; đặt ra yêu cầu bắt buộc phải thu gom và khai báo về chất thải nhựa sử dụng trong mỗi chuyến biển.
Các tàu cá có chiều dài từ 12-15m cũng được khuyến khích áp dụng.
Quyết định còn nêu rõ trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, các Ban Quản lý Cảng cá, Tổ thu gom rác thải tàu cá, Chi cục Thủy sản trong công tác thu gom và bàn giao, vận chuyển, khai báo và cập nhật số liệu, lập cơ sở dữ liệu và báo cáo về chất thải nhựa tàu cá.
Rác thải nhựa được ngư dân mang về tiếp tục được xử lý để bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào của cơ sở tái chế. (Ảnh: Hoàng Vân/TTXVN)
Theo Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn, đến tháng 6/2024 đã có hơn 150 lượt tàu mang về bờ khoảng 2 tấn rác thải, trong đó 1.500kg rác thải sinh hoạt đã phân loại (chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, bao bì thực phẩm...).
Ông Trần Văn Vinh cho rằng việc thể chế hóa quy định quản lý rác thải nhựa tàu cá giúp thực thi hiệu quả công tác thu gom rác thải nhựa trong ngành thủy sản nói chung và tàu cá nói riêng tại các tỉnh, thành phố.
Việc kết nối các bên để tạo chuỗi giá trị phế liệu nhựa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng ngư dân chung tay bảo vệ đại dương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng có liên quan đến hoạt động thu hồi, tái chế phế liệu.
Những kết quả bước đầu của mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ tại Cảng cá Quy Nhơn đã nhanh chóng lan tỏa rộng rãi.
Tại thị xã Hoài Nhơn, các ngư dân chưa tham gia mô hình thu gom rác thải nhưng đã tự nguyện mang rác về bờ và giao cho Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị Tam Quan.
Các địa phương trong nước như Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai mô hình của Bình Định.
Bà Hoàng Thị Diệu Linh, cán bộ phụ trách lĩnh vực chất thải và kinh tế tuần hoàn của UNDP, cho biết từ hiệu quả thực tế tại Cảng cá Quy Nhơn, UNDP sẽ nghiên cứu, phối hợp với chính quyền, ngành chức năng của Bình Định và các bên liên quan mở rộng mô hình tới Cảng cá Đề Gi, Tam Quan.
Đại dương cùng với hệ sinh thái phong phú, nguồn tài nguyên dồi dào là ngôi nhà thứ hai của rất nhiều thế hệ người Việt Nam vươn khơi bám biển.
Những kết quả Bình Định đạt được cho thấy hành động vì màu xanh của đại dương không bao giờ là muộn, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của ngư dân; đồng thời cần sự chung tay nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp... để ngày mai cá bạc lại đầy khoang./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cach-lam-rieng-phu-hop-voi-thuc-te-dia-phuong-post980669.vnp