Cách mạng tinh gọn bộ máy ở Tây Nguyên: Cán bộ nữ cân nhắc việc nước, việc nhà

Cách mạng tinh gọn bộ máy ở Tây Nguyên: Cán bộ nữ cân nhắc việc nước, việc nhà
4 giờ trướcBài gốc
Trên vùng đất đại ngàn biên giới phía Tây của Tổ quốc - giờ đây, nhiệm vụ đặt ra với các tỉnh không chỉ là tổ chức lại bộ máy, tạo nền hành chính hiệu lực hiệu quả, mà còn là sắp xếp lại cuộc sống, gia đình, tương lai của hàng nghìn cán bộ. Vượt núi, băng đèo hàng trăm kilômét đến địa bàn công tác mới, sẽ thật sự là lửa thử vàng, thử thách năng lực, bản lĩnh của người cán bộ cùng cả bộ máy chính quyền, đoàn thể.
Chị Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cũng như hàng trăm cán bộ nữ khác ở Tây Nguyên đang sắp xếp công việc, cuộc sống gia đình sẵn sàng đến công tác tại tỉnh mới
Nhóm phóng viên VOV tại khu vực Tây Nguyên thực hiện loạt phóng sự “Cách mạng tinh gọn bộ máy - Lửa thử vàng, gian nan thử cán bộ”. Bài 1 “Những chốt hậu phương vươn lên phía trước”, phản ánh nỗ lực vượt bậc của hàng nghìn nữ cán bộ, công chức, viên chức ở Tây Nguyên, đang cố gắng cân bằng cả việc nước, việc nhà, trong một hành trình công tác mới tại trung tâm hành chính mới - cách xa hàng trăm kilômét.
“Chị em phụ nữ công chức, viên chức đi xuống một tỉnh mới rất nhiều lo lắng, đó là về nơi ăn, chốn ở. Gia đình có cha mẹ lớn tuổi công việc sắp xếp ra làm sao để có thể vừa chăm sóc được người trong gia đình vừa hoàn thành được công việc quả thực là một thử thách lớn”.
“Công việc của bố và mẹ không tương đồng với nhau, không thể di chuyển cả bố và mẹ, như thế thì con sẽ mất đi một phần nào đó về sự giáo dục thường xuyên hàng ngày của một trong hai người. Bây giờ giá bất động sản ở Kon Tum xuống dốc và giá bất động sản ở Quảng Ngãi lên chóng mặt cán bộ không thể nào mua nhà mua đất để mà an cư”.
“Tôi xác định rằng sẽ đối mặt với những khó khăn khi chồng một nơi, vợ một nơi. Hai vợ chồng thống nhất là năm đầu tôi xuống Quảng Ngãi làm việc sẽ gửi con cho ông bà ngoại. Sau thời gian ổn định được mọi thứ thì tôi sẽ đưa các cháu xuống sau”.
Đó là lời tâm sự của các nữ viên chức đang chuẩn bị tâm thế lên đường nhận nhiệm vụ mới sau khi sáp nhập địa phương.
Chị Chu Thị Bắc - chuyên viên Phòng Quản lý Giáo dục Tiểu học và Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, là một trong hàng ngàn cán bộ, viên chức thuộc diện sẽ chuyển công tác từ thành phố Pleiku xuống thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định theo kế hoạch sáp nhập tỉnh.
Cảng cá Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.
Chị Bắc cho biết, đường công tác mới xa hơn 160km, đèo cao 800m chỉ là một phần thử thách mà mình sẽ vượt qua. Việc thuê nhà ở thành phố lớn, việc học hành của con cái cũng là bài toán hóc búa mà chị cùng chồng đang cố tìm lời giải, để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ:
“Lương tháng chỉ bấy nhiêu mà giá cả sinh hoạt rồi còn nhà nữa thì chắc khó. Vì công việc thì phải đi thôi. Còn việc mua đất làm nhà, hay ở lâu dài thì còn phải tùy thuộc vào thu nhập. Giá đất ở thành phố Quy Nhơn như Cát Tiến, Nhơn Hội bây giờ cũng tăng gấp đôi hết rồi”.
Cũng trong tâm thế sẵn sàng, chị Nguyễn Mộng Thường - cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai cũng đang khẩn trương thu xếp việc gia đình để sẵn sàng nhận “lệnh” điều động. Chị dự tính gửi con cho gia đình bên nội chăm sóc để có thể sắp xếp cuộc sống ở nơi làm việc mới, sau đó sẽ làm thủ tục chuyển trường và đón con theo.
“Mẹ một nơi, con một ngả thì học kỳ đầu phải để con ở trên thành phố Pleiku với bà nội. Ở trên này thu nhập thấp, nhưng tôi vẫn tiết kiệm chi để đi học thêm được. Bây giờ xuống dưới TP. Quy Nhơn thuê nhà, nhiều vấn đề tài chính bó buộc thì chắc chắn không có dư, thiếu nhiều. Chắc tôi phải nhờ đỡ gia đình, họ hàng một thời gian”.
Ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, nhiều cán bộ nữ khác, mỗi người một hoàn cảnh, đều đang cố sắp xếp gia đình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Họ xác định rõ tâm thế dấn thân vì nhiệm vụ, chuẩn bị chu đáo từng bước một. Như chị Hà Thị Hạnh - Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, đã xác định gửi con cho ông bà nội:
“Các cháu trình bày quan điểm là chúng con sẽ ở lại Kon Tum học bởi vì đã quen trường, quen lớp, quen môi trường. Tôi thấy đây là thách thức lớn với cá nhân. Việc không thể đưa các con đi, không thể gần gũi chăm sóc các con được”.
Trường hợp của chị Thái Thị Hoàn, Phó trưởng Ban Phong trào, Tỉnh Đoàn Kon Tum thì khó khăn hơn nhiều. Chồng đi lao động tại Lào, không có người thân để nhờ cậy, chị đã sớm dự liệu cụ thể chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”:
“Bản thân suy nghĩ là sẽ thuê nhà trọ rồi chuyển các cháu xuống sớm để các cháu tiếp cận được môi trường sống ở một địa phương mới. Ngoài ra các cháu sợ là không nghe được lời cô giảng bài. Hiện nay cũng biết mở kênh của truyền hình Quảng Ngãi ra để nghe cho quen giọng”.
Tại mỗi tỉnh sáp nhập, đều có hàng trăm nữ cán bộ như chị Bắc, chị Thường, chị Hạnh, chị Hoàn... Họ đang căng sức giải bài toán đặt ra cho công tác và đời sống, như ai đi, ai ở; con nào sẽ theo mẹ và con nào gửi người thân. Tới địa bàn công tác mới, sẽ đi đâu tìm nhà trọ, xin học cho con ở trường nào…
Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum mong muốn có chính sách hỗ trợ cụ thể, như phụ cấp lưu trú, hỗ trợ đi lại, trợ cấp thuê nhà trong 3 năm đầu.
Chia sẻ toan lo với cán bộ của mình, nhiều sở, ngành đã kiến nghị và xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể, như phụ cấp lưu trú, hỗ trợ đi lại, trợ cấp thuê nhà trong 3 năm đầu... Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động thống kê nhu cầu có khoảng 600 học sinh con em cán bộ công chức, viên chức có nguyện vọng theo cha mẹ về học tập tại tỉnh Quảng Ngãi. Sở cũng đã gửi thông tin đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng như báo cáo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để phục vụ trong các cuộc làm việc, đảm bảo các điều kiện cho cán bộ công chức an tâm trong quá trình tổ chức sáp nhập”.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum bàn việc sáp nhập 2 sở.
Chỉ chưa đầy 100 ngày nữa, các tỉnh sẽ sáp nhập theo Đề án đã được phê duyệt. Lửa thử vàng, gian nan thử cán bộ đang thể hiện rất sinh động ở các tỉnh Tây Nguyên. Với những phụ nữ đang gánh hai vai - việc nước, việc nhà, họ đang cố vượt qua thử thách, chuẩn bị chu đáo để hoàn thành nhiệm vụ công tác trong mọi hoàn cảnh. Nữ cán bộ, những chốt hậu phương ở mỗi gia đình, đang dần vươn lên tuyến đầu, tiếp sức cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính ở địa phương mình.
Nhóm PV/VOV - Tây Nguyên
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/cach-mang-tinh-gon-bo-may-o-tay-nguyen-can-bo-nu-can-nhac-viec-nuoc-viec-nha-post1201104.vov