Cách Mỹ khắc chế đòn răn đe hạt nhân và đạn đạo của Nga

Cách Mỹ khắc chế đòn răn đe hạt nhân và đạn đạo của Nga
5 phút trướcBài gốc
Dư luận phương Tây lo lắng thực sự về nguy cơ xung đột hạt nhân với Nga
Tính từ đầu tháng 11/2024 đến nay, lo ngại của toàn thế giới về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đã dâng cao lên cấp độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược RS-24 Yars của Nga được trang bị đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Vào giữa tháng 11, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã đồng ý gỡ rào tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. Nước Anh làm điều tương tự với tên lửa Storm Shadow. Ngay sau đó Ukraine đã sử dụng cả ATACMS và Storm Shadow để tập kích vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đã phản ứng nhanh chóng và đầy kịch tính. Ông công bố sửa đổi học thuyết hạt nhân Nga. Rồi sau đó, Moscow phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik (có năng lực mang đầu đạn hạt nhân) vào một thành phố ở miền Trung Ukraine. Nga khẳng định họ có quyền tập kích cả cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để đánh vào lãnh thổ Nga. Tuy ông Putin không nêu đích danh, thế giới đều hiểu rằng ông ám chỉ Mỹ và Anh.
Phản ứng của ông Putin là sử dụng các học thuyết, tên lửa và truyền thông để gửi đi thông điệp về nỗi tức giận của ông trước các động thái của Mỹ trợ giúp cho Ukraine. Nga dường như đang cố gắng tạo lập sức ép lên chính quyền Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác thông qua nỗi sợ hãi trong công chúng các nước này.
Nhiều người ở phương Tây đã lo lắng thực sự. Truyền thông tại các nước này ngập tràn tin tức về đòn tấn công hạt nhân và hình ảnh tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên, nguy cơ xung đột hạt nhân trên thực tế có lẽ không cao đến mức như vậy vì một số nguyên nhân nhất định. Những lời cảnh báo của Tổng thống Putin cũng như việc Nga phóng thử một loại tên lửa đạn đạo siêu vượt âm xuống lãnh thổ Ukraine không nhất thiết làm leo thang căng thẳng đến mức vũ khí hạt ngân được kích hoạt. Trái lại, đây hoàn toàn có thể là dấu hiệu cho thấy, các bên đang kiềm chế kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mỹ vừa thận trọng viện trợ Ukraine, vừa duy trì liên lạc nóng với Nga
Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã quan ngại sâu sắc về rủi ro leo thang xung đột này thành chiến tranh hạt nhân. Do quan ngại như vậy, chính quyền ông Biden đã vô cùng thận trọng trong viện trợ quân sự cho Ukraine để tránh kích động Kremlin phản ứng bằng vũ khí hạt nhân.
Cụ thể, Nhà Trắng đã rất cẩn trọng và tỉ mỉ về những vũ khí họ có thể viện trợ cho Kiev sao cho vẫn bảo đảm an toàn trong quan hệ với Nga. Nhà Trắng thận trọng đến mức họ vấp phải chỉ trích từ các đồng minh bên trong và bên ngoài Ukraine. Trong hàng tháng trời, chính quyền ông Biden đã khước từ mọi lời kêu gọi cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Việc Nhà Trắng mới đây bất ngờ đảo ngược lệnh cấm đối với cách Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ cho thấy họ khá tự tin rằng Nga sẽ không đáp trả bằng đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Ukraine và bất cứ nước NATO nào. Rất có thể Mỹ đã tính đến ảnh hưởng của Trung Quốc - quốc gia hỗ trợ nhiều cho Nga về chính trị và kinh tế nhưng lại không ủng hộ việc Kremlin đưa ra những lời đe dọa về hạt nhân.
Còn có một yếu tố nữa khiến chính quyền Mỹ tự tin, đó là bản chất nguy hiểm thực sự của chiến tranh hạt nhân mà cả Mỹ và Nga đều ý thức rõ. Hai nước đều có những động lực mạnh để liên lạc chặt chẽ và rành mạch với nhau, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, để bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
Ngay từ đầu xung đột Ukraine, Washington đã nói rõ với Moscow về hậu quả nặng nề mà họ sẽ đối mặt nếu lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân. Các chi tiết về thảm kịch dự kiến này vẫn đang nằm trong vòng bí mật. Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công khai cảnh báo hồi năm 2022 về “hậu quả thảm khốc” đối với Nga nếu bất cứ dạng vũ khí hạt nhân nào được Nga kích hoạt.
Và cách tiếp cận này của Mỹ có vẻ đã phát huy tác dụng. Nhu cầu tránh nguy cơ hiểu lầm gây hậu quả chết người đã lý giải vì sao Nga lại thông báo trước cho Mỹ về đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik cũng như nói rõ cho Mỹ rằng tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân. Cả hai nước Mỹ và Nga muốn có sự liên lạc và đối thoại minh bạch về mọi tình huống liên quan như việc phóng tên lửa siêu vượt âm, vì họ cùng hiểu rằng bất cư sự hiểu lầm nào cũng có thể nhanh chóng dẫn tới leo thang căng thẳng, thậm chí có thể kích hoạt một cuộc chiến hạt nhân ngoài ý muốn.
5 nguồn tin gần gũi với tình báo Mỹ (gồm 2 quan chức cấp cao, một nghị sĩ và 2 trợ lý nghị sĩ) mới đây cũng chia sẻ với Reuters rằng sau vụ gỡ rào ATACMS, nguy cơ Nga tấn công hạt nhân không thực sự tăng.
Một loạt đánh giá tình báo trong 7 tháng qua cũng kết luận rằng ít khả năng có leo thang thành xung đột hạt nhân do tác động từ việc Mỹ nới lỏng sử dụng tên lửa ATACMS cho Ukraine.
Tuy nhiên, các nguồn tin này xác nhận rằng thay vào đó, Nga có thể mở rộng một chiến dịch phá hoại ngầm nhằm vào các mục tiêu châu Âu để gia tăng áp lực lên phương Tây, ngăn cản họ hỗ trợ Ukraine.
Cuộc chiến ngầm của Nga mà phương Tây đề cập ở đây là những hoạt động phá hoại ngầm và tấn công mạng trong khuôn khổ một cuộc đấu tranh tổng hợp do Nga tiến hành để đối phó với sự hậu thuẫn của phương Tây dành cho Ukraine.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: MoscowTimes, Reuters, Guardian
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cach-my-khac-che-don-ran-de-hat-nhan-va-dan-dao-cua-nga-post1138685.vov