Tọa đàm “Di sản kiến trúc thời bao cấp - Duy trì và phát triển” diễn ra ngày 15.11 trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Đây là cuộc hội ngộ của các nhà quản lý đô thị và di sản, chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt là những người nghiên cứu về tái thiết đô thị.
Giai đoạn 1954 - 1986, hay còn gọi là thời bao cấp, Hà Nội có nhiều công trình nổi tiếng, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử kiến trúc của Thủ đô như các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… cùng các nhà máy dệt, cơ khí, thuốc lá, xà phòng, cao su, bê tông, diêm, gỗ... Ngoài ra còn có các công trình công cộng quan trọng như Đại học Bách khoa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Sân vận động Hàng Đẫy, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bưu điện Hà Nội...
Các ý kiến tại tọa đàm tập trung nhận diện, làm rõ giá trị và thực trạng của công trình kiến trúc thời bao cấp trong bối cảnh hiện đại
Những công trình này không chỉ phục vụ nhu cầu văn hóa, giáo dục, truyền thông và thể thao mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc thời bao cấp mang nhiều ý nghĩa lịch sử, khoa học và xã hội, phản ánh một thời đại với các nguyên tắc hiện đại và tiến bộ.
Các công trình được thiết kế và xây dựng theo chiến lược của một quốc gia đang trên con đường phát triển, góp phần vào quá trình vận hành hành chính và nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. Với những đóng góp không nhỏ ấy, các chuyên gia cho rằng, kiến trúc thời bao cấp là vốn quý di sản, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để không bỏ phí.
Các ý kiến tại tọa đàm tập trung nhận diện, làm rõ những giá trị của di sản kiến trúc thời bao cấp, từ giá trị văn hóa, lịch sử đến những tiềm năng sử dụng mới trong đời sống đương đại. Các diễn giả cũng đề xuất những phương án bảo tồn phù hợp, hướng tới duy trì và phát huy giá trị các công trình này trong thời kỳ mới mà vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần từ thời bao cấp.
Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội diễn ra các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: BTC
KTS. Họa sĩ Vũ Hiệp - chuyên nghiên cứu về lý luận kiến trúc và mỹ thuật nhận xét, các công trình kiến trúc thời bao cấp được tu bổ, cơ bản giữ được hình ảnh ban đầu đang chiếm khoảng 60 – 70%. Bên cạnh đó, cũng có công trình bị biến đổi, cải tạo, một số công trình đã hạ giải, thay thế bằng các hình thức, công năng khác.
Nhận định di sản kiến trúc thời bao cấp mang dấu tích lịch sử, ký ức xã hội; là không gian sử dụng hữu ích; đồng thời là nhân tố quan trọng trong không gian đô thị, tuy nhiên, KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích phân tích: nhiều chức năng không còn phù hợp với xã hội hiện đại, nhiều công trình xuống cấp trầm trọng; đang có những mong muốn, quan niệm khác nhau; trong kho tàng di sản văn hóa kiến trúc, nhóm này vẫn được coi là mức ưu tiên thấp trong các đối tượng cần bảo tồn…
Theo TS.KTS. Nguyễn Đức Vinh - giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, khi nói đến bảo tồn, phát huy giá trị, ta thường quên hay bỏ qua vấn đề kinh tế. Thực tế, những công trình xây dựng thời bao cấp nằm ở vùng ven, nhưng khi Hà Nội phát triển mở rộng, các công trình này trở thành trung tâm, giá trị bất động sản tăng lên, do đó có sức ép rất lớn phải cải tạo. Đây là những yếu tố cần được quan tâm trong quá trình gìn giữ, phát huy di sản kiến trúc này...
Ng. Phương