Điểm khởi đầu của trục "Kinh tế Sáng tạo" Tràng Tiền là Triển lãm Ý tưởng Thiết kế Sáng tạo được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm).
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo lần thứ tư là một trong những hoạt động trọng tâm của Hà Nội trong thực hiện các sáng kiến với UNESCO để xây dựng Thành phố Sáng tạo. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” được diễn ra từ ngày 9-17/11. Thời gian tham quan từ 8h30 đến 17h tất cả các ngày. Riêng khu vực Cung Thiếu nhi Hà Nội và tuyến phố Tràng Tiền, trong các ngày cuối tuần (16/11 và 17/11) sẽ mở thêm buổi tối đến 21h30.
Lễ hội đã thành công thu hút hơn 500 đơn vị, nhà sáng tạo, KTS, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế tham gia. Tại Lễ hội, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng hơn 110 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, xuất bản...
Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục “Tinh hoa di sản” (phố Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông) và trục “Kinh tế sáng tạo” (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền) với những công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ)… và 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn trên tuyến.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Trục “Kinh tế Sáng tạo” thuộc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024:
Hiện đang có 4 triển lãm diễn ra tại tuyến phố Tràng Tiền: Triển lãm Ý tưởng Thiết kế Sáng tạo số 93 Đinh Tiên Hoàng; Triển lãm "25 năm UNESCO và Hà Nội: Từ Hòa bình đến Sáng tạo" số 63 Tràng Tiền; Triển lãm Chấm nhỏ của thương hiệu Trịnh Fashion số 61 Tràng Tiền; Triển lãm các tác phẩm thiết kế của Học viện Thời trang London số 45 Tràng Tiền.
Ban tổ chức đã sử dụng những hình ảnh, màu sắc nhận diện của Lễ hội để trang trí dọc 2 bên tuyến phố.
Tiếp nối trục “Kinh tế Sáng tạo” là Pavilion “Rồng rắn lên mây” được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tại số 1 Tràng Tiền.
Pavillion “Rồng rắn lên mây” do KTS Nguyễn Công Hiệp và cộng sự đến từ CA’ Library thiết kế, như một cuộc đối thoại giữa những yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của khuôn viên công trình kiến trúc độc đáo của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Pavilion “Rồng rắn lên mây” được xây dựng với mong muốn trở thành một phần của cảnh quan Bảo tàng, tạo nên điểm nhấn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này.
Theo KTS Nguyễn Công Hiệp, tên gọi “Rồng rắn lên mây” xuất phát từ hình thái uốn lượn của công trình, là một sự liên tưởng tới trò chơi dân gian có vẻ ít nhiều đã bị lãng quên ở hiện tại. Các nghệ sĩ sáng tạo vừa mong muốn đem đến một sự uyển chuyển hài hòa về không gian, vừa mong muốn khơi gợi sự thích thú vui chơi và tìm tòi của những thế hệ trẻ, từ đó liên kết với công trình di sản và kho tàng lịch sử đang được lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Hầu hết các vật liệu sử dụng để xây dựng Pavilion được tái sử dụng từ các tấm inox gương từ Pavilion “Bến chờ” của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Việc tái sử dụng các vật liệu cũng nằm trong ý tưởng về xu hướng sáng tạo tái tạo trong tương lai.
Đan xen với Pavilion “Rồng rắn lên mây” là các tác phẩm sắp đặt “Tỷ lệ có phải là vấn đề?” với mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:20000 tới 1:75 với các chất liệu khác nhau.
Thông qua các hoạt động thiết kế sáng tạo các công trình kiến trúc biểu tượng và các hoạt động triển lãm đa dạng tại các địa điểm công cộng, Lễ hội đã giúp nâng tầm hình ảnh cho Hà Nội, khẳng định vị thế là một thành phố sáng tạo, năng động và có sức hút.
Hà Trần