Cách nữ sinh người Mông gìn giữ tiếng mẹ đẻ

Cách nữ sinh người Mông gìn giữ tiếng mẹ đẻ
2 ngày trướcBài gốc
Hồ Thị Vân (thứ hai từ phải sang) trong lễ kết nạp Đảng.
Giữ lửa bản sắc từ những điều nhỏ nhất
Giữa sân Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên, cô học trò Hồ Thị Vân nổi bật với chiếc váy của người dân tộc Mông. Mỗi sáng thứ Hai, em cùng các bạn lại khoác lên mình trang phục dân tộc để dự lễ chào cờ.
Khoác chiếc váy đó, Vân chia sẻ “Với em đó không chỉ là quy định của trường mà còn là niềm tự hào. Em tâm đắc với câu nói "văn hóa còn thì dân tộc còn" chính vì thế, nhiệm vụ của thế hệ trẻ chúng em chính là bảo tồn văn hóa của dân tộc”.
Là một người trẻ, Vân luôn tự nhắc bản thân gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hóa Mông. Em hiểu rằng khi hội nhập ngày càng mạnh mẽ, nếu những người như em không giữ gìn thì bản sắc sẽ dần mai một. Đặc biệt hiện nay đất nước mình đang phát triển, hội nhập với thế giới nên việc bảo tồn bản sắc dân tộc rất quan trọng.
“Ở trường, ngoài những tiết học văn hóa chung, thầy cô còn dạy học sinh cách bảo tồn nét đẹp truyền thống qua giờ giáo dục địa phương. Các thầy cô dạy rất truyền cảm hứng, chương trình học bám sát thực tế nên em biết thêm rất nhiều điều về dân tộc mình.
Ngoài ra, ở trường còn có những ngày hội văn hóa. Tại những ngày hội đó, em và các bạn trình diễn trang phục truyền thống, giới thiệu cho nhau những món ăn của dân tộc mình. Chúng em được giao lưu và biết thêm rất nhiều về nhau”, Vân hào hứng kể.
Vân nhắc đến cuộc sống nội trú cũng không ít thử thách “Khó khăn lớn nhất của em là nhớ nhà. Những khi mệt mỏi, chính bạn bè cùng phòng, thầy cô đã động viên em. Đặc biệt là ước mơ trở thành giáo viên tiểu học đã tiếp thêm động lực cho em. Khi nghĩ đến ước mơ, em có thể mạnh mẽ vượt qua”.
Vân cùng các bạn biểu diễn văn nghệ
Ước mơ lan tỏa văn hóa Mông rộng khắp
Ngày 22/6 vừa qua, Hồ Thị Vân được kết nạp Đảng. Với cô học trò người Mông ấy đó là cột mốc không thể quên. “Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Em thấy trách nhiệm của mình lớn hơn trước và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”, Vân bày tỏ.
Em dự định thi vào ngành Sư phạm Tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm 2. Em muốn trở thành giáo viên, mang tri thức về cho trẻ em quê mình.
Với cô học trò người Mông, việc dạy học không chỉ là truyền đạt con chữ, mà còn là lan tỏa văn hóa Mông đến nhiều người hơn. “Em muốn mặc trang phục dân tộc của mình, giới thiệu với các bạn ở miền xuôi. Vì đa số các bạn là người Kinh nên em muốn mọi người hiểu hơn về cái đẹp của dân tộc Mông”. Đó là ước mơ mà cô học trò nhỏ ấp ủ.
Những giờ giáo dục địa phương là cơ hội để Vân thể hiện niềm tự hào ấy. Hằng ngày em vẫn nói tiếng mẹ đẻ với bạn bè và học thêm tiếng các dân tộc khác. Em bảo đó cũng là cách để hiểu, tôn trọng và gắn kết các nền văn hóa trên cùng một mái trường.
“Phải hội nhập nhưng không hòa tan. Với em, hội nhập là mở rộng hiểu biết, còn giữ gìn bản sắc là giữ lại cội nguồn của mình. Em luôn tin rằng chỉ khi hiểu rõ mình là ai, từ đâu đến, người ta mới có thể tự tin bước ra thế giới”, Vân khẳng định.
Nhìn Vân say sưa nói về văn hóa Mông, về những họa tiết thổ cẩm mới thấy được khát vọng giản dị nhưng lớn lao của em “Em muốn sau này trở thành người có ích cho dân tộc và quê hương”.
Giữa nhịp sống hiện đại, những cô bé như Vân vẫn lặng thầm viết tiếp câu chuyện văn hóa của dân tộc mình, bằng chính niềm tin và tình yêu thương chân thành.
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/cach-nu-sinh-nguoi-mong-gin-giu-tieng-me-de-post741205.html