Cách xử lý vết thương ngay sau khi bị chó cắn, phòng ngừa bệnh dại

Cách xử lý vết thương ngay sau khi bị chó cắn, phòng ngừa bệnh dại
3 ngày trướcBài gốc
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong nghi do bệnh dại. Bệnh nhân sau khi bị chó cắn vì chủ quan, vết thương cắn nông, nhẹ nên chỉ xử lý vết thương qua loa bằng nước và không tiêm huyết thanh ngừa bệnh dại ngay. Sau 2 tháng, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau họng. Một ngày sau đó tình trạng bệnh nhân nặng thêm, lên cơn xúc động, thở hụt hơi, sợ nước, sợ gió, nghẹn, khó nuốt. Khi nhập viện thì đã muộn, bệnh nhân tử vong ngay sau đó.
Điều đáng nói là sau khi bị chó cắn, bệnh nhân đã không có cách xử lý vết thương khi bị chó cắn đúng cách, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm virus bệnh dại. Theo CDC, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây từ động vật sang người và gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus bệnh dại sang người.
Người bị cắn thường bị lây nhiễm virus dại với các vết cắn sâu hoặc vết xước bình thường từ động vật mắc bệnh dại. Việc lây truyền cũng có thể xảy ra nếu nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh tiếp xúc với niêm mạc mắt hoặc miệng hay vết thương ngoài da của người khỏe mạnh. Thời gian ủ bệnh dại thường là 2 – 3 tháng nhưng có thể thay đổi kéo dài từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí xâm nhập của virus và tải lượng virus.
Người bị cắn thường bị lây nhiễm virus dại với các vết cắn sâu hoặc vết xước bình thường từ động vật mắc bệnh dại (Ảnh minh họa: ST)
Thêm vào đó, khi thời tiết nắng nóng trở lại, các hoạt động ngoài trời phổ biến hơn và tăng nguy cơ tiếp xúc với bệnh dại, là thời điểm bệnh dại có nguy cơ bùng phát mạnh nhất. Đặc biệt là khi việc nuôi chó, mèo ngày một phổ biến hơn.
Bệnh dại có hai thể, bao gồm:
- Bệnh dại thể điên cuồng: gây ra tăng động thái quá, hành vi dễ bị kích động, ảo giác, thiếu phối hợp, sợ nước và sợ khí (sợ gió lùa hoặc không khí trong lành). Nạn nhân tử vong sau một vài ngày do ngừng tim và hô hấp.
- Bệnh dại thể câm (bại liệt): chiếm khoảng 20% tổng số trường hợp mắc bệnh ở người. Dạng bệnh dại này diễn ra ít kịch tính hơn và thường kéo dài hơn so với dạng bệnh dại thể điên cuồng. Cơ bắp nạn nhân dần dần bị tê liệt, bắt đầu từ vị trí vết thương. Tình trạng hôn mê phát triển từ từ và cuối cùng là tử vong. Dạng liệt của bệnh dại thường bị chẩn đoán sai do báo cáo bệnh không đầy đủ.
1. Cần làm gì khi bị chó cắn? Xử lý vết thương do cho cắn như thế nào?
Trước tiên cần nhớ rằng, mặc dù bạn có thể sơ cứu vết thương do cho cắn tại nhà nhưng điều quan trọng là cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán, kiểm tra và có cách hướng dẫn phù hợp, đặc biệt là khi bạn bị chó lạ cắn, vết cắn sâu, vết cắn có màng nhầy nước bọt của chó hoặc nhiễm bẩn bụi, vết cắn khó cầm máu hay khi có bất kỳ một dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng nào như sốt, vết cắn bị sưng đỏ, mưng mủ, chảy dịch hôi.
Cần xử lý vết thương ngay sau khi bị chó cắn. Ảnh: ST
Xử lý vết thương do cho cắn như thế nào?
Sau khi bị chó cắn, hãy ngay lập tức xử lý vết cắn để giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm vi khuẩn dại đồng thời đánh giá vết thương để xác định mức độ nghiêm trọng, kể cả vết cắn là do chó nhà hay chó lạ và giữ chó tránh xa nạn nhân bị cắn. Miệng chó chứa các loại vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus, Pasteurella và Capnocytophaga , khiến vết cắn của chó có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Virus bệnh dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ: mắt, miệng hoặc vết thương hở).
Khi bị chó cắn, cần xử lý vết thương theo các bước:
- Cầm máu: Sử dụng miếng khăn hoặc vải sạch ấn trực tiếp vào vết cắn để cầm máu. Mặc dù không phải tất cả vết cắn của chó đều chảy máu, nhưng vết cắn sâu có thể chảy máu rất nhiều. Theo NHS, bạn có thể ấn nhẹ vào vết thương để máu chảy ra một chút (trừ trường hợp vết cắn đã chảy máu rồi), điều này có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Rửa tay trước khi chạm vào vết cắn: Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi xử lý vết chó cắn, tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo cho người bị chó cắn thông qua vết cắn. Nếu có găng tay vô trùng, găng tay y tế thì có thể rửa tay sạch rồi đeo găng.
- Làm sạch vết cắn: Bất kể vùng da bị chó cắn có bị trầy xước hay không thì tất cả mọi người bị chó cắn đều cần phải làm sạch vùng bị cắn bằng xà phòng và nước ấm liên tục trong ít nhất 15 phút. Sau đó tiếp tục làm sạch vết cắn với 70% rượu/ethanol hoặc povidone-iodine (nếu có), cố gắng loại bỏ bất kỳ vật thể nào như răng, tóc hoặc bụi bẩn ra khỏi vết cắn.
Lưu ý tuyệt đối không được sử dụng các loại tẩy rửa khác như ớt bột, nước axit hay nước kiềm để làm sạch vết cắn. Việc vệ sinh vết thương kỹ lưỡng mà không cần các phương pháp điều trị y tế khác (ví dụ: PEP) đã được chứng minh là có thể làm giảm đáng kể khả năng mắc bệnh dại.
- Băng vết cắn: Sau khi rửa sạch vết thương, nhẹ nhàng thấm khô và băng lại. Băng vết chó cắn bằng băng sạch, khô rồi di chuyển nhanh tới cơ sở y tế gần nhất, muộn nhất là sau 24 giờ, đặc biệt là với các vết cắn bị rách da và có chảy máu. Có thể bôi bôi thuốc mỡ kháng sinh vào vết thương nếu có, dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giúp giảm đau và sưng tấy - trẻ em dưới 16 tuổi không nên dùng aspirin. Tuy nhiên, cần thận trọng khi bôi bất cứ một loại thuốc nào để bôi lên vết chó cắn nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp ngón tay, ngón chân hay bộ phận cơ thể bị cắn rời, hãy lưu bộ phận đó trong túi nhựa sạch, đặt một ít đá xung quanh và mang tới bệnh viện cùng với nạn nhân bị chó cắn.
Trong khi đó, mọi người có thể xác minh con chó đã cắn người thuộc hộ gia đình nào, đã từng tiêm phòng dại chưa. Thêm vào đó, cần quan sát con chó đó trong khoảng 10 ngày, chẳng hạn như với bệnh dại chó, con vật bị nhiễm virus dại sẽ có những biểu hiện bất thường từ 1- 7 ngày cho tới khi chết như:
+ Cắn người hoặc vật khi ngay cả khi không có khiêu khích.
+ Ăn đồ vật bất thường (khác thức ăn bình thường) như phân, tóc, móng tay.
+ Chạy liên tục không mục đích hoặc biến mất trong thời gian quan sát.
+ Gầm gừ, tiếng khàn hoặc mất tiếng.
+ Hiện tượng tiết nước bọt quá mức, chủ yếu ở góc miệng không liên quan tới chứng sợ nước (hydrophobia).
2. Bị chó cắn khi nào cần chăm sóc y tế khẩn cấp?
Nếu bị chó cắn trong các trường hợp sau, người bị chó cắn cần ngay lập tức tới cơ sở y tế, các vết thương này cần được kiểm tra càng sớm càng tốt:
- Vết cắn bị chảy máu không ngừng sau vài phút cầm máu tại nhà.
- Vết cắn sâu, lớn nhìn rõ các tổ chức dưới da như thịt nát, gân, cơ hoặc xương.
- Có nhiều vết cắn.
- Vết cắn có chảy mủ hôi, sưng đỏ.
- Xung quanh vết cắn chuyển sang màu đen, có thể là dấu hiệu của hoại tử da.
- Trong vòng 5 năm hoặc lâu hơn, người bị chó cắn chưa từng chủng ngừa vaccine phòng uốn ván.
- Vết cắn ở mặt, tay.
- Bạn bị sốt cao, yếu ớt, lú lẫn hoặc ngất xỉu.
- Đau tăng lên mà không khỏi khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan, các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch và các tình trạng sức khỏe khác có thể có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ đánh giá lại vết cắn để xem vết cắn có đủ sâu để làm tổn thương cơ, gân, dây thần kinh hoặc xương hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ vệ sinh kỹ lưỡng vết cắn để loại bỏ bụi bẩn hoặc vi khuẩn và cũng có thể loại bỏ các mô chết khỏi vết thương. Sau đó đóng vết thương hở bằng chỉ khâu hoặc các dụng cụ chuyên dụng đồng thời chỉ định thuốc kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng từ 7 - 14 ngày và kiểm tra nguy cơ mắc uốn ván, bệnh dại của bạn để điều trị phơi nhiễm phù hợp. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn quay lại tái khám sau 1 - 3 ngày để kiểm tra lại vết thương.
Vết cắn của chó có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng (Ảnh: ST)
Theo CDC, dự phòng phơi nhiễm bệnh dại (PEP) bao gồm rửa vết thương, một liều globulin miễn dịch phòng bệnh dại ở người (HRIG) và vaccine phòng bệnh dại được tiêm vào thời điểm bạn đến khám bệnh lần đầu tiên, và một liều vaccine được tiêm lại vào ngày thứ 3, 7 và 14 sau liều đầu tiên. Phụ nữ mang thai không phải là chống chỉ định đối với PEP phòng bệnh dại và việc tiếp xúc với bệnh dại hoặc chẩn đoán mắc bệnh dại ở người mẹ không phải là lý do yêu cầu chấm dứt thai kỳ.
Theo Healthline, vết cắn của chó có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm nhiễm trùng, bệnh dại, uốn ván, tổn thương thần kinh hoặc cơ xương,... Do vậy việc chăm sóc vết chó cắn đúng cách là rất quan trọng. Tuyệt đối không tự ý đắp lá hay các bài thuốc chữa chó cắn dân gian chưa được kiểm chứng,... tránh khiến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Nguồn: Tổng hợp
Châu Anh
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/cach-xu-ly-vet-thuong-ngay-sau-khi-bi-cho-can-phong-ngua-benh-dai-20250416154046262.htm