Đến Trung tâm PVHCC xã Long Điền thực hiện thủ tục hành chính, ông Ngô Văn Lợi, ngụ ấp Mỹ Tân cho biết: “Tôi đến xin giấy phép cho con bán thuốc tây và trích lục khai sinh. Vừa đến trung tâm đã được cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình từ việc lấy số đến chọn quầy. Tôi lớn tuổi, tiếp thu chậm nhưng cán bộ xã hỗ trợ rất nhiệt tình nên mọi thủ tục đều được thực hiện nhanh gọn, thuận tiện. Tôi rất hài lòng”.
Từ đầu tháng 7/2025 đến nay, Trung tâm PVHCC xã Long Điền đã tiếp nhận và xử lý 1.001 hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC), trong đó 845 hồ sơ đã được giải quyết, 156 hồ sơ đang chờ hẹn trả kết quả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Long Điền Lê Trần Minh Hiếu cho biết: “Xã hiện bố trí 10 công chức tại 10 quầy, trực tiếp tiếp nhận, xử lý và trả kết quả. Đội ngũ cán bộ, công chức chuyển biến rõ rệt từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ”. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, ngụ xã Long Điền đánh giá: “Tôi rất hài lòng khi các TTHC giờ được giải quyết ngay tại xã. Cán bộ đón tiếp niềm nở, thân thiện. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp giúp giảm thời gian đi lại, đơn giản hóa thủ tục”.
Quang cảnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Chợ Mới
Tại xã Chợ Mới - địa phương vừa sáp nhập từ xã Kiến Thành, xã Kiến An và thị trấn Chợ Mới, với quy mô dân số gần 81.000 người, công tác cải cách hành chính cũng đang được đẩy mạnh. Chủ tịch UBND xã Chợ Mới Nguyễn Trọng Trí cho biết: “Chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Quyên - công chức phụ trách lĩnh vực đất đai tại Trung tâm PVHCC xã Chợ Mới cho biết: “Tôi giải quyết bình quân 35 - 40 hồ sơ mỗi ngày. Chúng tôi luôn cố gắng để trả kết quả đúng hẹn, tránh tình trạng người dân đi lại nhiều lần”. Đến Trung tâm PVHCC xã Chợ Mới làm thủ tục chuyển nhượng đất đai cho con, ông Nguyễn Văn Triết, ngụ xã Chợ Mới cho biết: “Cán bộ ở đây hướng dẫn rất tận tình, hòa nhã, đúng như khẩu hiệu “Vui lòng dân đến, vừa lòng dân đi””.
Sự đổi mới không chỉ ở quy trình mà còn thể hiện trong không gian làm việc. Tại các trung tâm PVHCC, người dân dễ dàng tiếp cận cán bộ ở những dãy bàn không vách ngăn, thân thiện và gần gũi. Cán bộ, công chức không chỉ làm việc nghiêm túc mà còn nhẹ nhàng hướng dẫn, giải thích tận tình, tạo cảm giác thoải mái và tin tưởng cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - công chức phụ trách lĩnh vực đất đai tại chi nhánh liên xã khu vực Chợ Mới cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận từ 4 - 5 hồ sơ, TTHC và hỗ trợ hơn 10 hồ sơ cung cấp thông tin, đo đạc. Ngoài ra còn hướng dẫn người dân kê khai thuế, khai đơn, nhập dịch vụ công…”.
Trong các buổi kiểm tra vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại các địa phương như Tịnh Biên, Giang Thành, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền rà soát lại tổ chức bộ máy, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo giải quyết TTHC kịp thời và hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Công Thức cũng nhấn mạnh: “Các địa phương cần lấy người dân làm trung tâm để phục vụ. Cán bộ, công chức phải chủ động học hỏi, ứng dụng khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực giải quyết TTHC”. Kiểm tra tại các xã Long Điền, Chợ Mới, Cù Lao Giêng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Phong yêu cầu: “Các xã cần ưu tiên giải quyết TTHC cho người dân một cách thông suốt, nâng cao sự hài lòng của người dân”.
Sự chuyển mình của chính quyền cấp xã ở An Giang thông qua các trung tâm PVHCC thể hiện rõ sự thay đổi trong tư duy phục vụ. Khi người dân được coi là trung tâm, chính quyền trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ, lắng nghe và giải quyết, đó chính là bước đi đúng đắn để xây dựng nền hành chính hiện đại, gần dân và vì dân.
Bài và ảnh: HẠNH CHÂU