Hạ tầng quá tải đang là thách thức cho ngành Logistics. Ảnh: V.Minh
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại toàn cầu đang trên đà phục hồi rõ rệt. Riêng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 432 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 220 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD, cho thấy sức bật mạnh mẽ và khả năng thích ứng vượt trội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đầy biến động.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thảo Hiền cũng chỉ rõ, ngành Logistics Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ chi phí, hạ tầng, quy chuẩn đến các ràng buộc thương mại mới.
Là một doanh nghiệp logistics chủ chốt tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), ông Trương Tồn Vĩ, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thông chia sẻ về thực trạng ngành logistics Trung Quốc - Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào vận tải đường bộ. Theo ông Trương Tồn Vĩ, mặc dù có thể đáp ứng nhu cầu phân phối linh hoạt, nhưng chi phí cao và tính không ổn định về thời gian của vận tải đường bộ đơn lẻ đang ngày càng trở nên nổi bật.
Về phía địa phương, các chuyên gia cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập hiện đang thiếu đồng bộ trong kết nối cảng - khu công nghiệp đang làm tăng chi phí logistics. Chỉ khoảng 15% hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) được vận chuyển bằng đường thủy nội địa hoặc đường sắt, còn lại phụ thuộc vào đường bộ.
Tập kết hàng hóa tại cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: CTV
Theo đại diện các doanh nghiệp trong nước, thời gian tới, cần thúc đẩy vận tải đa phương thức, đặc biệt là kết nối đường sắt quốc tế để tăng tính linh hoạt, giảm chi phí và ứng phó gián đoạn chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần hiện đại hóa hạ tầng, số hóa chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giảm phát thải và minh bạch chuỗi giá trị.
Trong đó, các đại biểu kiến nghị đẩy nhanh hoàn thiện Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics (hiện chiếm 16 - 20% giá thành).
Phân tích về khả quan của ngành logistics, bà Nguyễn Thảo Hiền đã đưa ra những con số cụ thể. Theo đó, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 43/139 toàn cầu và thứ 5 trong ASEAN (theo L.PT 2023).
Bên cạnh đó, quy mô thị trường logistics hiện đạt khoảng 45 - 50 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 12 - 14%/năm. Cùng với đó, việc phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan và vận tải đa phương thức đang đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả cho các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, nông - thủy sản.
Minh Tuấn