5 sở, 22 phòng chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp bị xóa khỏi sơ đồ tổ chức bộ máy hành chính tỉnh Hòa Bình trong vòng chưa đầy 1 năm. Nhưng không ai "mất việc”. Và cũng không có một cuộc xáo trộn nào gây bức xúc trong dư luận. Thay vào đó là một bộ máy mới - tinh gọn, rõ người, rõ việc, được người dân mô tả bằng một cụm từ duy nhất - nhẹ: Nhẹ hơn trong thủ tục. Nhẹ hơn trong tiếp cận. Nhẹ cả trong thái độ của cán bộ tiếp dân.
Một cuộc tái thiết bộ máy chưa từng có
Khi nhiều nơi vẫn loay hoay với câu hỏi "cải cách bộ máy từ đâu” thì Hòa Bình đã lựa chọn bước đi khó nhất: dám sắp xếp, dám đụng đến quyền lực và thói quen để xây dựng một nền hành chính không chỉ nhanh - gọn - hiệu quả, mà còn thực sự vì dân. Trong hành trình đó, không ai bị bỏ lại phía sau - từ những cán bộ nghỉ hưu trước tuổi đến những người dân vùng cao từng xa lạ với khái niệm "dịch vụ công trực tuyến".
Sau tinh gọn bộ máy, đội ngũ công chức xã Vũ Bình (Lạc Sơn) được sắp xếp đúng vị trí việc làm, phát huy năng lực, sở trường chuyên môn.
Từ tháng 12/2024, Hòa Bình bắt đầu thực hiện đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính - một "cuộc cách mạng” thực sự trong cách vận hành quyền lực công. Theo đó, 10 sở được hợp nhất còn 5, nhiều chi cục, phòng, ban bị xóa khỏi danh sách cơ cấu, kéo theo giảm 5 sở, 22 phòng cấp sở, 6 đơn vị sự nghiệp.
Điểm đặc biệt: mọi bước đi đều được công khai, giải trình và lấy ý kiến đầy đủ, từ sở, ngành đến huyện, xã. Những cán bộ chịu ảnh hưởng đều được bố trí lại công việc hoặc hỗ trợ nghỉ hưu đúng chính sách. Không có ai bị "ra rìa”, không một vụ việc khiếu nại xảy ra - điều hiếm thấy trong các đợt tinh giản biên chế trên cả nước.
Một điểm sáng là cách tỉnh tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp. Việc hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm giải phóng mặt bằng thành một đơn vị chung không chỉ giảm đầu mối mà còn tăng hiệu quả xử lý, rút ngắn 25% thời gian giải quyết hồ sơ đất đai trong quý I/2025.
"Đây không phải là cuộc cắt giảm, mà là một đợt tái cấu trúc để tốt lên” - đồng chí Đặng Mai Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định. Hòa Bình không đơn giản là giảm người, mà là làm lại toàn bộ quy trình xử lý công vụ, đặt hiệu quả phục vụ làm trung tâm. Ai không thay đổi được tư duy phục vụ thì phải nhường chỗ.
Khi hành chính bắt đầu từ sự tử tế
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, một quy định nhỏ được duy trì suốt 3 năm qua: mọi cán bộ đều phải chủ động xin lỗi người dân nếu giải quyết hồ sơ chậm, kể cả khi lỗi không do mình. Câu "chúng tôi xin lỗi vì đã để bác phải chờ lâu” không còn là câu khách sáo, mà trở thành thói quen giao tiếp hành chính.
Ở huyện Lạc Thủy, xã Phú Nghĩa từng có 4 hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết chậm. Khi nhận phản ánh, chính quyền xã tổ chức buổi tiếp dân riêng, xin lỗi công khai và rút kinh nghiệm trực tiếp trước dân. Ở một nền hành chính tử tế, xin lỗi không làm mất uy tín, mà là cách để giành lại niềm tin.
Nhiều cán bộ địa phương giờ mang theo sổ tay ghi lại các ý kiến chưa hài lòng, nhắc nhau mỗi tuần họp chuyên môn phải trả lời. Không cần bảng điện tử đếm phiếu hài lòng. Chỉ cần thái độ thật lòng. Và chính điều đó làm nên một nền hành chính có cảm xúc.
Hành chính không ai bị bỏ lại
Hòa Bình là tỉnh đầu tiên trong khu vực áp dụng đánh giá mức độ tiếp cận hành chính ở nhóm yếu thế, gồm người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người không biết chữ và người không có thiết bị thông minh. Nhiều giải pháp "mềm” được thiết kế riêng: tổ công nghệ số cộng đồng kiêm phiên dịch tiếng Mường, Thái, tài liệu hướng dẫn in song ngữ, bố trí cán bộ trẻ trực tiếp "cầm tay chỉ chuột”.
Ở xã Bắc Phong (Cao Phong) hay Yên Trị (Yên Thủy), chính quyền địa phương đã bắt đầu có những cách làm mềm dẻo và đầy sẻ chia: bố trí bàn máy tính riêng cho người già, in hướng dẫn chữ to dễ đọc; hoặc phát hành "phiếu hành chính đặc biệt” cho người khuyết tật, chỉ cần một cuộc gọi, tổ công nghệ số sẽ đến tận nhà giúp thực hiện thủ tục… Những chi tiết ấy tuy nhỏ, nhưng chứa đựng tinh thần rất lớn: không để ai bị bỏ lại trong quá trình hiện đại hóa hành chính.
Và đó cũng là điểm khác biệt quan trọng của Hòa Bình so với nhiều địa phương khác: không chạy theo thành tích số hóa, mà thật sự chuyển đổi để phục vụ được nhiều người hơn, dễ hơn, tử tế hơn. Không có nền hành chính hiện đại nào được xây nên chỉ bằng phần mềm, máy chủ hay văn bản. Những con người đứng sau, với một tư duy mới, một cách hành xử mới, mới là gốc rễ của thay đổi.
Hòa Bình chọn cách đi khó nhất: không đánh bóng chỉ số, không hô khẩu hiệu ồn ào, mà âm thầm tái thiết từ trong, từ từng biểu mẫu, từng thủ tục, từng cách cán bộ nói chuyện với dân. Và rồi, người dân nhận ra sự thay đổi không phải khi cầm tờ giấy trả kết quả, mà khi cảm thấy mình được tôn trọng, được phục vụ, được lắng nghe.
Sau hơn 4 năm cải cách hành chính, Hòa Bình không chỉ có những con số ấn tượng, mà quan trọng hơn đã dần hình thành một nền hành chính biết xin lỗi, biết cảm ơn và biết lắng nghe. Một nền hành chính không ai bị bỏ lại phía sau, vì ở đó, người dân không còn là "đối tượng giải quyết”, mà là trung tâm của mọi chính sách.
Từ những tờ giấy dày con dấu đến một cú chạm gọn nhẹ, hành trình ấy, Hòa Bình đã đi bằng cả trí tuệ và sự thấu cảm.
(Còn nữa)
Hải Yến - Bùi Minh - Linh Nhật