Cải cách tư duy thanh tra hướng đến phản biện thể chế

Cải cách tư duy thanh tra hướng đến phản biện thể chế
5 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Điểm đáng chú ý, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cấp bách chuyển đổi vai trò của ngành thanh tra từ “phát hiện sai phạm” sang “giám sát thể chế” và “kiến tạo cải cách”. Cơ quan soạn thảo đã sáng tạo, tâm huyết để hình thành dự thảo luật với nhiều điểm mới, tiến bộ, tuy nhiên so với yêu cầu của thực tiễn đổi mới thể chế, nhiều đại biểu nhận thấy vẫn còn một số điểm cần được thảo luận thêm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ những hạn chế của phương thức thanh tra kế hoạch cứng nhắc, theo đó, danh sách thanh tra được phê duyệt từ đầu năm, phải thông báo trước, khiến tính bất ngờ và hiệu quả mất đi.
Các đại biểu dẫn vụ việc cụ thể trước nạn sữa giả, thực phẩm chức năng giả, Thủ tướng đã có chỉ đạo ra quân cao điểm để xử lý, nhưng khi lực lượng thanh tra đi đến đâu là “hàng hóa bị giấu hết, tất cả các nhà thuốc đều nói không bán thực phẩm chức năng”... Còn thanh tra đột xuất sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy định, sau khi thanh tra xong còn phải giải trình với cấp trên tại sao đến đơn vị đó để thanh tra, như vậy phương thức thanh tra đột xuất sẽ bị “trói tay, trói chân”.
Dự thảo luật chưa có quy định về vấn đề phổ biến hiện nay là kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) lưu ý: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết, bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng.
“Nếu không kiểm soát được chồng chéo như lâu nay, không chỉ doanh nghiệp mất niềm tin mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư”- nữ đại biểu thẳng thắn đề đạt.
Báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đặt vấn đề khi thực hiện sắp xếp các cơ quan trong hệ thống thanh tra sẽ phát sinh việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, sở, ngành, hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, trong khi đó dự thảo luật chưa xây dựng nguyên tắc để tránh việc chồng chéo, trùng lặp gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, cá nhân...
Nhiều ý kiến còn cho rằng, yêu cầu quan trọng hiện nay là Luật Thanh tra (sửa đổi) cần bảo đảm tính phù hợp với mô hình quản trị hiện đại, trở thành động lực đổi mới thực chất trong tổ chức hoạt động thanh tra. Yêu cầu nữa là chức năng thanh tra phải thoát khỏi tư duy hành chính để chuyển hóa thành công cụ giám sát chính sách.
Phân tích Điều 4 trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc hoạt động tuân thủ pháp luật, công khai, khách quan, tuy nhiên nhiều đại biểu nhận xét chưa thể hiện rõ vai trò phản biện chính sách, đánh giá thể chế và kiến nghị cải cách sau thanh tra. Đưa ra góc nhìn chiến lược hơn, đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh) đề nghị luật cần bổ sung vai trò của thanh tra trong việc đề xuất sửa đổi chính sách, kiến nghị mô hình quản trị mới. Theo đại biểu: Nếu Nhà nước pháp quyền là khung thể chế, Chính phủ kiến tạo là “linh hồn” vận hành của hệ thống thì thanh tra cần tiến lên một tầm cao mới là giám sát thể chế, hỗ trợ cải cách và bảo vệ môi trường phát triển lành mạnh.
Chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra không chỉ là xu thế, mà là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới. Đây là công cụ quan trọng giúp số hóa quy trình rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao tính minh bạch, kịp thời phát hiện rủi ro và sai phạm, nhất là trong quản lý tài chính và đầu tư công.
Các đại biểu Quốc hội nêu kinh nghiệm nhiều nước đã đưa trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số vào thanh tra để sớm phát hiện rủi ro, giảm chi phí và tăng tính minh bạch; do vậy đề nghị Luật Thanh tra (sửa đổi) cần thể chế hóa nội dung này, xem đây là một trụ cột đổi mới trong thời gian tới. Các đại biểu kiến nghị ngành thanh tra cần chú trọng xây dựng các quy định về phương pháp thanh tra hiện đại dựa trên quản lý rủi ro và dữ liệu số.
Đông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực vừa qua, kỳ vọng và tin tưởng Quốc hội đang đồng hành cùng Chính phủ đặt nền tảng cho một cuộc cải cách thể chế sâu rộng, không chỉ “vá lỗi kỹ thuật” của từng đạo luật, mà còn cải tổ tư duy xây dựng luật theo hướng mở, đồng bộ, linh hoạt và sát thực tiễn.
Theo đó, cải cách Luật Thanh tra cần được đặt trong tổng thể cải cách thể chế mà Quốc hội đang triển khai đồng bộ qua các luật về đầu tư, ngân sách, tài sản công. Khi công tác thanh tra thoát khỏi tư duy “đi kiểm tra, xử lý lỗi hành chính”, thay vào đó là công cụ giám sát chính sách, thì doanh nghiệp sẽ bớt gánh nặng thanh tra trùng lặp, người dân sẽ được bảo vệ trong môi trường hành chính liêm chính, hiệu quả.
Mạnh Dương
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/cai-cach-tu-duy-thanh-tra-huong-den-phan-bien-the-che-post882315.html