Ở thời kỳ đỉnh cao, Clubhouse đủ sức cạnh tranh với hàng loạt ứng dụng mạng xã hội lẫn ứng dụng gọi điện bằng internet (VoIP). Nhưng khi cơn sốt qua đi thì thành công phai nhạt dần.
Clubhouse thành công nhanh nhưng cũng mau lụi tàn - Ảnh: Reuters
Clubhouse là ứng dụng gì?
Ý tưởng đằng sau Clubhouse là thành lập nền tảng mà mọi người có thể tham gia một cuộc trò chuyện ngẫu nhiên, lắng nghe, học hỏi và kết nối. Cuộc trò chuyện không giới hạn chủ đề nhưng phòng trò chuyện ảo chỉ dành cho người được mời vào. Vì vậy hoạt động trên Clubhouse có tính độc quyền nhất định. Nếu may mắn người dùng sẽ được giao lưu với nhân vật nổi tiếng như tỷ phú công nghệ Elon Musk hay ông chủ Meta Mark Zuckerberg.
Clubhouse ra mắt vào tháng 3.2020. Hai nhà sáng lập Paul Davison và Rohan Seth tạo ra ứng dụng từ một dự án khởi nghiệp. Clubhouse trở nên phổ biến khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, chạm mốc 4 triệu người dùng vào tháng 2.2021 rồi giảm mạnh xuống còn dưới 1 triệu vào tháng 11.
Theo đài CNBC, nhóm phát triển đã phải đối mặt với vô vàn thách thức trước thành công quá lớn quá đột ngột. Clubhouse không thể phục hồi sau sụt giảm mạnh bởi nhiều yếu tố.
Chưa sẵn sàng đón thành công
Từ hai nhà sáng lập ban đầu, nhóm phát triển mở rộng lên 8 người. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ để xử lý hàng triệu người dùng muốn tham gia Clubhouse. Ứng dụng tồn tại nhiều hạn chế kỹ thuật và nhóm không có kế hoạch cho các tính năng dài hạn.
Tốc độ tăng người dùng quá nhanh dẫn đến tình trạng “khan hiếm” ở giai đoạn thử nghiệm. Nhiều người muốn tham gia nhưng chỉ có thể vào phòng trò chuyện nếu được mời hoặc đã là thành viên. Tính độc quyền hấp dẫn đến mức mã mời tham gia Clubhouse được rao bán trên một số nền tảng thương mại điện tử với mức giá cao. Tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) cũng góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người dùng.
Không kiếm lời được từ ứng dụng
Clubhouse thực thi loạt chính sách khá nghiêm ngặt, nhưng cuối cùng chúng lại phản tác dụng. Thiếu khả năng kiếm tiền tạo nên mô hình kinh doanh yếu kém. Ứng dụng không chia sẻ dữ liệu phân tích về người dùng, nhà sáng tạo hay phòng trò chuyện - vốn rất quan trọng với quảng cáo và đổi mới tính năng.
Năm 2021, Clubhouse tiến hành gọi vốn vòng thứ 5 với định giá hơn 4 tỉ USD. Tuy nhiên mức định giá cao cũng không thể cứu họ.
Giai đoạn hoàng kim đã qua
Nhiều người tin rằng sở dĩ Clubhouse tăng vọt về số lượng người dùng chẳng qua nhờ tình thế đặc biệt tạo ra bởi COVID-19 mà thôi. Mọi người bị hạn chế tương tác xã hội trực tiếp nên rất khao khát kết nối.
Clubhouse mang đến phương thức kết nối hoàn toàn mới lạ, trở thành nền tảng mà mọi người trò chuyện một cách ngẫu nhiên, xóa bỏ rào cản xã hội và không bao giờ ép buộc phải gọi video. Nhiều công ty khác muốn sao chép thành công của Clubhouse, người dùng lần lượt thấy Twitter Spaces, Spotify Live, Amazon Amp. Đáng tiếc tất cả đều “chết yểu” hoặc chẳng bao giờ gây tiếng vang cả.
Thiếu kiểm duyệt phù hợp
Như nhiều ứng dụng mạng xã hội khác, Clubhouse dần trở thành môi trường độc hại nơi chứa đầy bình luận ác ý lẫn chủ đề thảo luận không phù hợp. Danh tiếng giảm sút thì khó giữ chân người dùng.
Cẩm Bình