Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ở Khu công nghiệp Tam Phước (thành phố Biên Hòa).Ảnh: V.GIA
Năm 2025 được xác định là năm rất quan trọng, bản lề cho cả thời kỳ nên để phấn đấu kinh tế tăng trưởng 2 con số đòi hỏi sự tập trung của cả chính quyền và DN. Trong đó, đồng hành, hỗ trợ DN một cách thực chất và nhanh nhạy là yêu cầu tiên quyết hiện nay.
Năm 2024 thành công và năm 2025 bứt tốc
Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,09%, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Cả 3 khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9% so với năm trước.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức vào sáng 8-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định kết quả tăng trưởng GDP đã giúp nâng quy mô và xếp hạng GDP của Việt Nam, tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng năng suất lao động.
Triển khai nhiệm vụ của năm 2025, Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH yêu cầu các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết 01 và 02 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2025.
Trong năm qua, tình hình phát triển DN chuyển biến tích cực hơn, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao với 233,4 ngàn DN, gấp 1,2 lần con số DN rút lui khỏi thị trường. Các chính sách, chương trình hỗ trợ DN được triển khai hiệu quả, nhất là DN nhỏ và vừa. Mạng lưới tư vấn cho DN nhỏ và vừa tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Những kết quả nêu trên là tiền đề quan trọng để Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt ít nhất là 8% và nỗ lực phấn đấu để đạt mốc cao hơn.
Theo Thủ tướng, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để phát huy, làm tốt hơn với những chỉ tiêu đã đạt và vượt; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Tại Đồng Nai, năm 2024, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đồng hành DN khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là sự nỗ lực cộng đồng DN khai thác thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, những giải pháp trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng của địa phương. Cụ thể, nhiều DN đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm và sang năm sau. Hiện nhiều DN tuyển dụng thêm lao động với số lượng khá lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của mình. Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% trong năm nay, làm cơ sở để tỉnh vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới, khai thác tốt hơn sự cộng hưởng của các dự án hạ tầng lớn.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều giải pháp sẽ được triển khai thực hiện mạnh mẽ. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công là một trong những vấn đề trọng tâm, được ưu tiên nhằm tạo động lực kéo các lĩnh vực khác phát triển.
Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ở Khu công nghiệp Tam Phước (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Gia
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, tỉnh đang có nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai. Các công trình, dự án trọng điểm là cú hích để tăng trưởng, do đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng phản ánh mức độ tăng trưởng kinh tế. Đồng Nai huy động các nguồn lực từ đất đai để phát triển hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện một số dự án cụ thể. Các dự án động lực như: Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, Đường ven sông Đồng Nai sẽ được chú trọng.
Đối với cộng đồng DN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long nhận định, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cộng đồng DN đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn khi các biến động trên thế giới vẫn đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cũng như cộng đồng DN mong muốn địa phương tiếp tục có những giải pháp sâu sát hơn, đồng hành, hỗ trợ một cách trực tiếp để giúp DN nhanh gỡ vướng những vấn đề khó khăn. Thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ phát huy hiệu quả Chương trình Cà phê doanh nhân, phối hợp với các sở, ngành, địa phương để DN có thể trao đổi trực tiếp hàng tuần, trình bày những vướng mắc, khó khăn của mình.
Về phía tỉnh, xác định đồng hành, hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm nên theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng, các giải pháp phải phát triển đồng bộ nhằm khơi thông các dòng chảy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho DN, các ngành hoàn thành nhiệm vụ.
Sắp tới, Đồng Nai sẽ thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ DN và phát triển kinh tế tỉnh trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh và Ban Hành động hỗ trợ DN nhằm đưa các hoạt động hỗ trợ DN đi vào chiều sâu, đạt kết quả cao hơn.
Văn Gia
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-chodoanh-nghiep-32d64fd/