Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc
Nghị quyết cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể: Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 1 bậc; phát triển Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 2 bậc (trong kỳ xếp hạng tới); quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 3 bậc; hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch tăng ít nhất 4 bậc (trong kỳ xếp hạng tới); an toàn thông tin mạng duy trì trong nhóm các quốc gia Bậc 1.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.
Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không khả thi, không rõ ràng
Để đạt các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.
Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các Tổ công tác của Thủ tướng.
Chính phủ cũng lưu ý, nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Trong đó kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện.
Đồng thời, chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng: Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, khó dự đoán, và không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng.
Đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Rà soát các loại chứng chỉ và kiến nghị bãi bỏ chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ có sự trùng lặp về nội dung để tránh lãng phí chi phí của xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến.
Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia.
Một nhiệm vụ nữa được Chính phủ đặt ra là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Thu Hằng