Công thức cho phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam

Công thức cho phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Công thức cho phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định: Bán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và của nền kinh tế số.
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6. Ảnh: TS
“Nghị quyết đã xác định công nghiệp bán dẫn là công nghiệp chiến lược, Việt Nam xác định đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là phát triển một ngành kinh tế mà là chiến lược phát triển quốc gia lấy công nghệ số làm nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển”- ông Lịch nhấn mạnh.
Với định hướng và vai trò của ngành bán dẫn, Việt Nam đã chính thức ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, đặt nền móng, định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C =SET+1
Theo đó, chữ C là chíp bán dẫn, chữ S là specialized, chuyên dụng, chip chuyên dụng. Việt Nam tập trung nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.
Chữ E là electronics - điện tử, công nghiệp điện tử. Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn cùng công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số, mà trọng tâm là AI– công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Chữ T là talent - nhân lực, nhân tài. Việt Nam phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược, trở thành một trung tâm (hub) về nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Số 1 trong công thức là vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn theo cách X +1.
Việt Nam xác định chủ động tham gia vào tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa: Lê Tất Tiên
Theo ông Lịch, hầu hết các nước khác đều xây dựng chiến lược dựa trên cách tiếp cận là tập trung vào một vài công đoạn có thế mạnh.
Việt Nam xác định chủ động tham gia vào tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng theo một lộ trình ba bước, tận dụng xu hướng thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo phương châm X + 1. Trong đó, Việt Nam nỗ lực để trở thành điểm “+1” trong chuỗi cung ứng này, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, tạo sự an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn của thế giới.
Tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn
Với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Đảng và Nhà nước đã có các định hướng và hành động tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Thông qua việc nghiên cứu xây dựng, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù, vượt trội về đất đai, thuế, tài chính,… để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, nhà nước còn ưu tiên bố trí nguồn lực để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; hình thành các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu thử nghiệm bán dẫn trọng điểm quốc gia.
Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông chia sẻ về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Ảnh: TĐ
Ông Lịch khẳng định, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp bán dẫn này đã cụ thể hóa và được đưa vào một số luật được Quốc hội ban hành trong thời gian gian qua như: Luật sửa đổi Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2025 và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được trình Quốc hội ban hành vào kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025. Qua đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cùng với cơ chế ưu đãi vượt trội để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp vận hành dựa trên một chuỗi cung ứng phân bổ trên toàn cầu, với các công đoạn thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm thử trải dài qua nhiều quốc gia, có sự liên kết chặt chẽ. Công nghiệp bán dẫn Việt Nam định hướng trở thành một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Theo đó, Việt Nam ưu tiên và có chính sách ưu đãi đặc biệt, cơ chế thủ tục về đầu tư thông thoáng, thuận lợn nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam với phương châm không chỉ là một thị trường tiêu thụ mà còn là một đối tác đáng tin cậy và nơi lý tưởng để phát triển, mở rộng nghiên cứu, sản xuất.
Tại hội thảo, các đại biểu và diễn giả cũng đã có những thảo luận trao đổi xung quanh những vấn đề: Làm thế nào để Việt Nam tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn? Chính phủ cần làm gì trong việc định hướng và hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam? Việt Nam cần làm gì để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành bán dẫn? Những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong phát triển ngành bán dẫn là gì? Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) có vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam?...
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra các hoạt động triển lãm giới thiệu công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: TS
Công nghiệp bán dẫn đang đóng vai trò then chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, là nền tảng cho sự phát triển của hàng loạt các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), xe điện và nhiều lĩnh vực khác.
Việt Nam, với khát vọng vươn mình trở thành một quốc gia phát triển, không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Công thức C=SET+1 (chip, chuyên dụng, điện tử, nhân tài, + Việt Nam) thể hiện một cách tiếp cận chiến lược và toàn diện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp điện tử vững mạnh, tập trung vào các sản phẩm chuyên dụng có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, qua đó, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Quân đội; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Tập đoàn Công nghệ CMC và Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cong-thuc-cho-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-cua-viet-nam-369754.html