Mảnh đất vàng thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, Quảng Ninh đã ghi nhận những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Quy mô ngành đạt trên 37.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 22,83%/năm, tạo hàng vạn việc làm mới cho lao động địa phương. Đà tăng trưởng này biến Quảng Ninh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư tại Quảng Ninh. Ảnh CTV
Các tập đoàn tầm cỡ quốc tế đã lựa chọn Quảng Ninh là nơi xây dựng và mở rộng hệ thống sản xuất. Tiêu biểu như Tập đoàn Foxconn – ông lớn trong ngành công nghệ cao – đã đầu tư 5 dự án tại đây với tổng vốn gần 1 tỷ USD. Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025 với công suất thiết kế hơn 120.000 xe/năm, không chỉ tạo động lực thu hút doanh nghiệp phụ trợ ô tô mà còn góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, Tập đoàn Jinko Solar – một trong những thương hiệu sản xuất tấm quang năng hàng đầu thế giới – đã đầu tư các dự án tổng vốn 2,5 tỷ USD tại Quảng Ninh. Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu của Tập đoàn, khẳng định vai trò quan trọng của Quảng Ninh trong chuỗi sản xuất toàn cầu, khi các nhà máy tại đây chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài của tập đoàn.
Tính đến hết năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,43% trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh, với tốc độ tăng trưởng 21,33%. Tổng vốn đầu tư trong ngành đạt 2,04 tỷ USD, đồng thời tạo thêm hơn 5.500 việc làm mới. Những con số này là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Ninh trong lĩnh vực công nghiệp.
Để đạt được thành công này, Quảng Ninh đã tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các dự án giao thông chiến lược. Các chính sách tháo gỡ khó khăn, giải quyết nhanh thủ tục hành chính về đất đai, thuế, đầu tư và thông quan hàng hóa đã giúp môi trường kinh doanh tại đây trở nên thuận lợi hơn.
Đồng thời, tỉnh chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo ông Tsuchimochi Atsusi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam, cho biết: "Tôi đánh giá cao những lợi thế của Quảng Ninh trong thu hút các dự án đầu tư, nhất là lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Tôi tin tưởng, nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản sẽ lựa chọn Quảng Ninh để triển khai các dự án."
Phát triển bền vững và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế xanh
Bước sang năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 12%, với tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt 57.300 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung mạnh vào việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, coi đây là động lực cốt lõi thúc đẩy kinh tế địa phương.
Trên cơ sở Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu từ “nâu” sang “xanh” được thực hiện xuyên suốt, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hiện đại.
Tính đến giữa tháng 11/2024, tổng vốn thu hút FDI tại Quảng Ninh đã đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó 32 dự án mới có tổng vốn đăng ký 1,76 tỷ USD và 25 dự án điều chỉnh tăng vốn 292 triệu USD. Các khu công nghiệp chiến lược như Bắc Tiền Phong, Sông Khoai, Texhong Hải Hà, và Đông Mai đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư.
Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 86,05%. Ảnh T.D
Ngoài việc thúc đẩy đầu tư, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa các dự án đi vào hoạt động sớm nhất. Đến cuối năm 2024, Quảng Ninh đã hoàn thiện 7 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo và đưa vào hoạt động, trong khi 12 dự án khác đang khẩn trương hoàn tất. Đáng chú ý, Dự án Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng được kỳ vọng ra sản phẩm vào tháng 12/2024, cùng với Dự án Baike Vehicle Việt Nam đã hoạt động từ tháng 10/2024.
Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng phát triển mô hình “3 trong 1” – kết hợp khu công nghiệp, khu đô thị, và khu dịch vụ – với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại. Song song đó, các ngành công nghiệp phụ trợ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chíp bán dẫn, và chuyển đổi số cũng được thúc đẩy để tạo động lực tăng trưởng mới. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và đẩy nhanh triển khai Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong năm 2025, Quảng Ninh kỳ vọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt bậc, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Với sự đồng hành từ chính quyền tỉnh, môi trường đầu tư thông thoáng, cùng tiềm năng phát triển to lớn, Quảng Ninh xứng đáng là mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thế An