Cấm điện thoại, cấm cả AI?

Cấm điện thoại, cấm cả AI?
5 giờ trướcBài gốc
Ngay từ đầu năm học 2024- 2025, nhiều trường học ở các địa phương siết dùng điện thoại của học sinh. Sau một thời gian ngắn thực hiện, các trường đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực. Các em tập trung trong giờ học hơn, xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn, trong khi trước đây hầu hết “dán mắt” vào màn hình.
Nhiều hình ảnh sân trường đông vui, rộn ràng tiếng cười được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đồng thời cả thầy cô và các trò khi được hỏi đều đồng tình rằng hiệu quả dạy và học sau khi siết sử dụng điện thoại trong trường học đã được nâng cao.
Từ những tín hiệu tích cực này, có những ý kiến nêu ra nên cấm học sinh, sinh viên sử dụng AI, ChatGPT để các em chủ động hơn, tránh lệ thuộc vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện từ học sinh lớp 5 tới lớp 12 đều dùng phần mềm ChatGPT để học, trong đó chủ yếu là môn Ngữ văn. Khi được hỏi, nhiều em chia sẻ do trong đề Văn cô giáo yêu cầu tả một vật nuôi trong nhà; tả một chuyến tham quan đến di tích, danh thắng nổi tiếng nào đó… nhưng do gia đình không có vật nuôi, hoặc do các em chưa từng được đến Hà Nội, Huế hay danh thắng Tràng An như trong yêu cầu của giáo viên, do đó ChatGPT là công cụ tham khảo hữu hiệu nhất.
Thú vị hơn, có những bạn học sinh chia sẻ rằng, các em không hề sa đà, lệ thuộc vào AI, mà chỉ dùng ChatGPT để kiểm tra lại kết quả giải bài tập Toán, Lý, Hóa mà mình đã giải xong.
Vậy thì nên cấm hay khích lệ học sinh, sinh viên sử dụng AI trong quá trình học tập? Mới đây, UBND TPHCM và Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã chức hội thảo khoa học “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: Từ thách thức đến đột phá”. Đại diện Sở GDĐT TPHCM cho hay, địa phương đã chọn 2 giải pháp để thử nghiệm đưa AI vào giáo dục. Trong đó, giải pháp 1 là hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh lộ trình học tập; Giải pháp 2 là phát hiện lỗ hổng kiến thức của học sinh, trên cơ sở đó AI sẽ đề xuất những nội dung học sinh cần bồi dưỡng. Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cho bết thêm, từ năm học 2022 - 2023, thành phố thí điểm giảng dạy AI tại các trường phổ thông. Một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024 do UBND thành phố phê duyệt là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI.
Liên quan nội dung này, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) nêu quan điểm, trước đây, có ý kiến cho rằng AI sẽ thay thế con người nên có người có cảm giác sợ công nghệ, nhưng giờ đây trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu hiệu phục vụ việc học, còn dùng như thế nào là mỗi người quyết định.
Các chuyên gia cho rằng, để ứng dụng AI hữu hiệu, trước hết chính là vai trò của giáo viên trong quá trình tương tác hàng ngày với học sinh. Một trong những yêu cầu quan trọng mà UNESCO đề xuất các quốc gia là giáo viên phổ thông cần được tập huấn để có những hiểu biết đúng đắn và có năng lực ứng dụng AI. Từ đó, thầy cô có thể hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng AI một cách hiệu quả, có trách nhiệm và cân bằng.
Minh Quang
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/cam-dien-thoai-cam-ca-ai-10295177.html