Không cấm dạy thêm nhưng cần quản lý minh bạch

Không cấm dạy thêm nhưng cần quản lý minh bạch
3 giờ trướcBài gốc
“Cởi trói” quy định về dạy thêm
Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo ngày 20/11, có nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề quy định dạy thêm. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần có chính sách đáp ứng nhu cầu được học thêm của học sinh, phụ huynh.
Một giờ học của cô và trò Trường THCS Chu văn An (Hà Nội).
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cũng có những mặt tích cực, không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm. Do đó, cần tránh tình trạng không quản được thì cấm. Ông Khánh cũng đề nghị Bộ GDĐT, sau khi Luật Nhà giáo được thông qua, cần phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo việc này.
Làm rõ ý kiến của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn. Tức cấm một số hành vi ép của nhà giáo trong vấn đề này.
Thực tế, học thêm xuất phát từ nhu cầu của nhiều học sinh, tuy nhiên chủ trương không cấm dạy thêm của Bộ GDĐT dấy lên lo ngại về việc dạy thêm, học thêm sẽ tiếp tục bị biến tướng, trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.
Nhất là sau thời gian Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, việc dạy thêm, học thêm vẫn khó có thể hạn chế được.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu rằng có phải do chương trình mới quá áp lực khiến việc dạy thêm, học thêm ngày càng phổ biến?
Có con đang học bậc THCS, chị Nguyễn Thảo Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh là có thật. Các con cần được bổ trợ kiến thức sau thời gian học chính khóa. Nếu không học thêm, chị Trang lo ngại con không vượt qua được kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Theo chị Trang, việc dạy thêm đáng lên án nếu giáo viên có hành động lôi kéo học sinh phải học thêm hay trù dập, cho điểm kém trên lớp nếu học sinh không đi học thêm...
Đây cũng là lo ngại chung của nhiều phụ huynh. Chị Trần Minh Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm còn lỏng lẻo khiến việc học thêm mất đi ý nghĩa vốn có. Chị Hương cũng kiến nghị, việc học thêm, dạy thêm chỉ nên được tổ chức ngoài trường học để tránh những tiêu cực có thể xảy ra.
Cần quản lý để ngăn tiêu cực
Lâu nay, dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, không nên coi dạy thêm là một hoạt động nghề nghiệp chính thức của giáo viên phổ thông vì nó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, mà còn làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo.
“Khi dạy thêm trở thành một hoạt động chính thức mà không được kiểm soát chặt chẽ, nó có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các học sinh có khả năng chi trả cho việc học thêm và những em không thể. Mặt khác, nếu dạy thêm được quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng cách, nó có thể hỗ trợ học sinh trong việc củng cố kiến thức. Đặc biệt, đối với những học sinh cần thêm thời gian và sự hướng dẫn cá nhân để hiểu bài, việc dạy thêm là cần thiết”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để học thêm thực sự phát huy hiệu quả, phụ huynh cần tỉnh táo để lựa chọn lớp học phù hợp cho con, tránh ghi danh vì nể nang. Muốn vậy, phụ huynh cần nói không với bệnh thành tích, chỉ cho con học thêm khi thực sự cần. Về phía nhà trường, cần làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên.
Nguyễn Hoài
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khong-cam-day-them-nhung-can-quan-ly-minh-bach-10295198.html