“Đội lốt” hàng ngoại
Giữa tháng 5/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội triệt phá một ổ nhóm sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Là dược sĩ, có chuyên môn về dược, Phạm Ngọc Tiến ban đầu kinh doanh thực phẩm chức năng nhập khẩu chính hãng. Sau đó nhận thấy nhu cầu cao và lợi nhuận khổng lồ, Tiến đã tự mua dược liệu trong nước rồi thuê người pha trộn, đóng gói thành các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài. Để che mắt cơ quan chức năng, “ông trùm” này và các đồng phạm vẫn nhập khẩu hàng thật nhằm hợp thức hóa danh mục sản phẩm.
Công an Hà Nội đồng loạt khám xét gần 20 địa điểm tại 20 tỉnh, thành, thu giữ gần 100.000 hộp, lọ, vỉ chứa thực phẩm chức năng giả. Ảnh: Công an Hà Nội.
Sau gần một năm điều tra, Công an TP Hà Nội đồng loạt khám xét gần 20 địa điểm tại 20 tỉnh, thành, thu giữ gần 100.000 hộp, lọ, vỉ chứa thực phẩm chức năng giả cùng nhiều máy móc, dây chuyền, nguyên vật liệu để sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả với khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau. Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả 5 năm nay và bán tại tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc.
Trước đó vào giữa tháng 4/2025, Công an các tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp… đồng loạt đột kích, bóc gỡ đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả với thủ đoạn tương tự do Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, trú Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, trú TPHCM) cầm đầu. Các đối tượng tổ chức đường dây sản xuất thuốc giả khép kín từ nguyên liệu đến tiêu thụ như thuê kho xưởng ở nơi hẻo lánh, biệt lập, nhân công chủ yếu là người thân, ăn ở ngay tại chỗ để đảm bảo bí mật. Nhóm này còn tuyển người đóng giả dược sĩ để tiếp thị thuốc giả trên mạng xã hội, quảng cáo rầm rộ là “thuốc xách tay”, “thuốc nhập khẩu chính hãng”... Cơ quan chức năng thu giữ khoảng 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu không rõ nguồn gốc, gồm hàng nghìn hộp thuốc kháng sinh, thuốc bổ, thuốc thoái hóa xương khớp… Từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường lượng lớn thuốc giả, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.
Tháng 1/2025, Công an TPHCM đã bắt giữ vợ chồng Ngô Kim Diệu (Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm) và Nguyễn Thị Ngọc Hương (Giám đốc Công ty Kiến Lâm) cùng 20 đối tượng khác trong đường dây sản xuất thuốc giả hoạt động từ năm 2018. Dưới vỏ bọc điều hành hai công ty dược tại TPHCM, nhóm của Diệu lập xưởng, lắp đặt máy móc, mua nguyên liệu rồi tự “sáng tạo” ra tên thuốc mới, mạo danh sản xuất tại Singapore, Malaysia để đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng.
Đối tượng Phạm Ngọc Tiến (bên phải) cầm đầu đường dây sản xuất buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả quy mô lớn. Ảnh: Công an Hà Nội.
Vợ chồng “ông trùm” mua nguyên liệu đông y và các hoạt chất tân dược có tác dụng tương tự rồi trộn lẫn, nghiền thành bột, đóng viên nang, ép vỉ, dán nhãn thành thuốc trị đủ loại bệnh như xương khớp, thần kinh, dạ dày, trĩ... Nhóm này còn mua cả hoạt chất dùng sản xuất thức ăn gia súc để chế biến thuốc trị bệnh cho người.
"Cơ quan chức năng cần xem lại quy trình cấp số đăng ký lưu hành thuốc, công khai, minh bạch quy trình cấp số đăng ký thuốc. Việc công khai giúp nhiều người có thể giám sát và phát hiện thuốc giả. Nếu công bố lên mạng những hồ sơ xét đăng ký thuốc của VN Pharma - vụ án giả thuốc ung thư nhập từ Canada trước đây thì người Việt ở Canada hoặc một dược sĩ am hiểu về thuốc sẽ nắm được thông tin "thuốc này có ở Canada đâu mà nhập" thì sự việc sẽ được phát hiện sớm hơn", Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nói.
Vân Sơn
Lực lượng chức năng thu giữ gần 56.000 sản phẩm giả, hàng trăm ngàn vỏ hộp, tem mác cùng 1,6 tấn nguyên liệu. Tổng số tang vật phải huy động 11 xe tải để vận chuyển. Chỉ riêng năm 2024, đường dây này đã sản xuất lượng thuốc giả trị giá hơn 45 tỷ đồng, trong đó 35 tỷ đồng đã tiêu thụ trót lọt ra thị trường.
Lá chắn nào với thuốc giả?
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng các đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả bị triệt phá thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng. Để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn thuốc giả cần có sự chung tay của toàn xã hội. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, chỉ nên mua thuốc tại các nhà thuốc đạt chuẩn, không mua hàng trôi nổi hoặc mua qua mạng khi không có nguồn gốc rõ ràng. Trong công tác quản lý nhà nước, ngành y tế cần sớm xây dựng mạng lưới kiểm nghiệm độc lập đủ mạnh, hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm qua các báo cáo phản ứng có hại của thuốc và nâng cao năng lực phát hiện tại các cơ sở y tế tuyến dưới thay vì chỉ dựa vào rào chắn hàng giả của cơ quan quản lý thị trường.
BS Phan Tấn Thuận, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Trưởng đơn vị Thử nghiệm lâm sàng (CRU), Bệnh viện Ung Bướu TPHCM khẳng định, thử nghiệm lâm sàng là hàng rào khoa học mạnh mẽ nhất để ngăn chặn thuốc giả và thực phẩm chức năng không rõ hiệu quả.
“Không sản phẩm nào có thể vượt qua được một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng nếu bản chất nó không có hiệu lực. Thử nghiệm lâm sàng giúp nhiều bệnh nhân được điều trị miễn phí bằng thuốc thế hệ mới, đo lường được tác động của thuốc mới với nhóm điều trị chuẩn, từ đó khẳng định hiệu quả thực sự của thuốc chứ không phải cảm tính”, bác sĩ Thuận giải thích và cho biết thử nghiệm lâm sàng còn giúp xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, rút ngắn thời gian phê duyệt và quan trọng hơn, hàng triệu người khác sẽ được tiếp cận thuốc sớm hơn nếu kết quả nghiên cứu chứng minh hiệu quả.
Hàng loạt thuốc giả, thực phẩm chức năng giả bị Công an Hà Nội triệt phá. Ảnh: Công an Hà Nội.
Đại diện Công ty cổ phần dược phẩm Boston Pharma chia sẻ kinh nghiệm về Quản lý chất lượng R&D để kiểm soát sản phẩm lưu hành. Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu và phát triển, công ty luôn lưu trữ thuốc mẫu của các lô sản xuất và theo dõi chất lượng thông qua các máy lão hóa cấp tốc. Điều này giúp công ty có cơ sở đối chiếu với các thuốc đang lưu hành trên thị trường và kịp thời so sánh với mẫu thuốc nghi ngờ hàng giả. Các chỉ tiêu được kiểm tra bao gồm mẫu mã bao bì hàng hóa, hàm lượng hoạt chất, sinh khả dụng và các yếu tố khác liên quan đến nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm.
Khi phát hiện sự khác biệt về mẫu mã hay chất lượng, thông tin này sẽ được ghi nhận và đối chiếu với các sản phẩm khác cùng lô, trong cùng khu vực và khu vực khác để kiểm tra tính xác thực. Nếu có nghi ngờ sản phẩm giả mạo, công ty sẽ báo cáo cho cơ quan thẩm quyền tiến hành kiểm tra và xử lý.
Một số chuyên gia y tế khuyến cáo các công ty Dược cần ứng dụng công nghệ kiểm soát sản phẩm lưu hành như gắn mã QR code lên sản phẩm để khách hàng (bệnh viện, nhà thuốc, bệnh nhân) có thể tra cứu thông tin về nguồn gốc sản phẩm, từ đó có thể phân biệt thuốc thật - thuốc giả.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, xử lý nghiêm không chỉ người sản xuất, buôn bán thuốc giả mà cả những người tiếp tay, làm giả giấy tờ hợp pháp. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử cũng cần ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng đối với những sản phẩm kém chất lượng được bán ra thông qua nền tảng của mình.
Đồng tình, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM cho rằng trước tình hình thuốc giả diễn biến phức tạp, cần tăng mạnh chế tài đối với hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả. Chế tài nghiêm khắc sẽ có tác dụng răn đe và đẩy lùi thuốc giả.
Anh Nhàn