Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới tổ chức ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Hàng giả trong lĩnh vực y tế không đơn thuần là gian lận thương mại mà là tội ác và sẽ không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế…”. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với dược sĩ (DS) Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa DS. Nguyễn Xuân Hoàng, những vụ bắt giữ tập đoàn, đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) vừa qua có thể coi là một cuộc khủng hoảng của ngành TPCN không? Ông đánh giá thế nào về thực trạng ngành TPCN hiện nay?
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng.
DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Đúng là vừa qua cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an nhiều địa phương trên cả nước đã liên tục phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất, tiêu thụ TPCN giả, thu giữ hàng trăm tấn sản phẩm TPCN giả trên toàn quốc, nhưng tôi không cho rằng đó là một cuộc khủng hoảng của ngành TPCN. Đây chỉ là những trường hợp đã lợi dụng các quy định pháp luật mà nhà nước muốn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, lợi dụng sự bất cập trong việc thực thi pháp luật và cán bộ thoái hóa biến chất để trục lợi, kiếm lời phi pháp, bất chấp đạo lý.
Hiệp hội kịch liệt lên án những kẻ làm ăn phi pháp, bất chính, trục lợi trên sức khỏe của người dân. Hiệp hội nhận định đây cũng là cơ hội để ngành TPCN lành mạnh hóa thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn gian dối, tôn vinh các doanh nghiệp làm ăn chân chính; là cơ hội khẳng định lại vai trò của TPCN trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng và là cơ hội giành lại niềm tin của người tiêu dùng với TPCN.
Cũng xin nói thêm là, sự phát triển nhanh chóng của ngành TPCN là do những lợi ích đã được khẳng định về mặt khoa học với việc hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật và kỳ vọng chất lượng sống ngày càng cao của người dân. TPCN có khả năng phòng ngừa bệnh tật, trì hoãn thời gian khởi phát bệnh và hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính.
PV: Dư luận lo lắng khi những trường hợp bị bắt giữ với số lượng lên tới cả trăm tấn. Vậy thì, quy mô của ngành TPCN Việt Nam hiện nay là như thế nào, thưa ông?
DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Thị trường TPCN thế giới năm 2025 ước tính khoảng 371 tỷ USD và đến năm 2034 có thể xấp xỉ 700 tỷ USD. Bắt kịp thế giới, thị trường TPCN Việt Nam phát triển nhanh trong 10 năm trở lại đây. Hiện cả nước có hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, hơn 12.000 sản phẩm lưu hành, trong đó hơn 8.000 sản phẩm sản xuất trong nước. Đây là lý do mà tôi nói rằng, những vụ việc vừa qua chỉ là những trường hợp cá biệt.
Nhưng vài “con sâu” này đã ảnh hưởng đến danh tiếng của cả ngành. Đó là việc cần lên án. Tôi rất hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt từ các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ yêu cầu tiến hành đợt cao điểm thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm để trả lại sự trong sạch cho thị trường, đem lại sự an tâm cho người tiêu dùng.
PV: Tình trạng quảng cáo “lố” thổi phồng công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, đặc biệt còn sử dụng người nổi tiếng quảng cáo để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ông đánh giá thế nào về vấn đề vi phạm đạo đức trong quảng cáo TPCN hiện nay?
DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Thực tế đây là điều không thể tránh khỏi trong môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh quyết liệt hiện nay. Chỉ khi nào những người bán hàng, người làm quảng cáo đặt lợi ích của cộng đồng lên trên đồng tiền họ kiếm được, thì mới hết tình trạng thổi phồng công dụng. Ngay cả trong sản xuất TPCN cũng vậy.
Chỉ khi nào người sản xuất đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình, thì mới tránh khỏi tình trạng làm ăn gian dối, làm giả, làm nhái để trục lợi. Điều này cần được cơ quan chức năng vào cuộc nghiêm ngặt, quyết liệt, nhằm kiểm soát và xử phạt thích đáng các quảng cáo sai phép đối với mặt hàng TPCN trên mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử.
Thực phẩm chức năng được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn GMP.
PV: Hiệp hội có những giải pháp gì để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với TPCN?
DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Như tôi đã nói, chỉ khi đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết thì lúc đó các DN mới có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Từ phía Hiệp hội, chúng tôi cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc lấy lại niềm tin.
Hằng năm, Hiệp hội vẫn tổ chức các buổi gặp mặt, đào tạo, truyền thông về vai trò của thực phẩm cho cộng đồng và các nhóm cộng đồng, trong đó có các phóng viên, biên tập viên của các báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình cả nước. Thông qua ngòi bút của các phóng viên, Hiệp hội muốn chuyển tải tới người tiêu dùng những lợi ích về chăm sóc sức khỏe đã được công nhận của TPCN.
Thời gian tới, Hiệp hội mong muốn tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc truyền thông “3 đúng” về TPCN, trong đó hướng tới: Hiểu đúng về chức năng, công dụng của thực phẩm chức năng; từ hiểu đúng thì sẽ dùng đúng. Dùng đúng về đối tượng, liều lượng, thời gian, cách dùng và tác dụng của TPCN. Về mặt sản xuất - làm đúng - tức là sản xuất phải tuân thủ các quy trình, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kinh doanh đúng, công bố đúng chất lượng và quảng cáo đúng. Nói chung là phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Năm 2024, Hiệp hội đã ban hành Quy chế Đạo đức trong quảng cáo TPCN, trong đó, nêu rõ những lỗi hay vi phạm trong quảng cáo TPCN, chỉ rõ 9 điều không được làm của đơn vị quảng cáo TPCN. Nhờ các cơ quan truyền thông, báo chí, Quy chế được phổ biến rộng rãi, và hơn 1 năm sau ban hành, chưa phát hiện trường hợp hội viên vi phạm.
Về phía cơ sở sản xuất, mỗi doanh nghiệp phải luôn có tư duy “làm giàu cho đất nước, cho cộng đồng trước khi làm giàu cho bản thân”. Một doanh nghiệp, bên cạnh việc sản xuất đúng - hiện nay các doanh nghiệp TPCN đều phải áp dụng Thực hành tốt sản xuất (GMP) - thì cũng cần có kết nối với cộng đồng, có trách nhiệm với xã hội, ví dụ như là bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, văn hóa xã hội.
Xin nói thêm về “Thực hành tốt sản xuất - GMP” không chỉ là tiêu chuẩn bắt buộc, GMP còn là công cụ giúp các doanh nghiệp sản xuất chứng minh chất lượng sản xuất với cộng đồng và cơ quan quản lý. Ngay từ năm 2013, Hiệp hội đã ban hành Hướng dẫn Thực hành tốt sản xuất (GMP) TPCN và được các hội viên hưởng ứng. Đến năm 2018, Bộ Y tế mới có quyết định áp dụng GMP trong TPCN.
PV: Hiện nay, TPCN không phải tiền kiểm mà chỉ hậu kiểm, đây là bất cập, lỗ hổng để TPCN giả, nhái tiêu thụ ra thị trường. Theo ông, cần có thay đổi gì để làm tốt hơn công tác quản lý, giúp minh bạch thị trường, tiến tới loại bỏ TPCN giả, kém chất lượng ra khỏi đời sống xã hội.
DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Đối với cơ quan quản lý, tôi cho rằng, đây là cơ hội để thay đổi tư duy quản lý. Hậu kiểm là xu thế tất yếu, tiệm cận với thế giới trong cuộc chơi kinh doanh hiện nay. Nhưng, để hậu kiểm, cơ quan quản lý buộc phải có chế tài, tiêu chuẩn cho phù hợp. Trong đó cần thiết lập hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Mức xử phạt phải đủ sức răn đe - bao gồm cả phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết.
Xin nói thêm, một biện pháp khắc phục nữa là tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rằng, họ cũng là một mắt xích, một “thanh tra viên” thị trường để giúp cơ quan quản lý loại bỏ những những sản phẩm kém chất lượng. Nhưng, để làm được như vậy cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn và sự minh bạch.
Tôi nói ví dụ như thế này: Bạn mua một hộp sản phẩm, nghi ngờ sản phẩm đó là giả, muốn kiểm tra xem hộp sản phẩm đó như thế nào, bạn không biết kiểm tra ở đâu. Cơ quan quản lý là người giúp bạn. Cơ quan quản lý sẽ là người công bố các đơn vị uy tín, có chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng gửi mẫu nghi ngờ tới. Cơ quan quản lý cần công khai minh bạch thông tin sản phẩm trên website và có sự liên thông giữa các cơ quan quản lý với nhau. Ví dụ, sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường được công bố tại các địa phương, thì thông tin của những sản phẩm đó phải được liên thông với Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Có như vậy, người tiêu dùng mới có thể tra cứu được.
Thứ đến là xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm. Điều này đã được Hiệp hội nhắc tới trong tất cả các bản kiến nghị gửi tới bộ, ngành và Chính phủ. Chỉ có minh bạch về tiêu chuẩn, quy chuẩn mới có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Nói đơn giản thế này, doanh nghiệp khi đăng ký sản phẩm phải thông tin đầy đủ về tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm với sản phẩm đó với cơ quan quản lý. Khi có tranh chấp hay vấn đề phát sinh, phương pháp kiểm nghiệm sẽ chứng minh được chất lượng và sự trong sạch của doanh nghiệp. Công khai điều này chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà thôi.
PV: Ông có lời khuyên gì cho người tiêu dùng về cách sử TPCN?
DS. Nguyễn Xuân Hoàng: Để sử dụngTPCN, người tiêu dùng cần xác định rõ vấn đề của mình (hỗ trợ điều trị bệnh hay tăng cường sức khỏe), lựa chọn sản phẩm cho phù hợp, lựa chọn nhà cung cấp có uy tín và sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Tham vấn bác sỹ điều trị là điều nên làm để tránh những tương tác không mong muốn với thuốc đang sử dụng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Hằng (thực hiện)