Quảng cáo thổi phồng công dụng mỹ phẩm: Người tiêu dùng đã quá ngán ngẩm!

Quảng cáo thổi phồng công dụng mỹ phẩm: Người tiêu dùng đã quá ngán ngẩm!
6 giờ trướcBài gốc
Trong những năm gần đây, quảng cáo mỹ phẩm rầm rộ trên mạng xã hội, truyền hình và nền tảng số. Tuy nhiên, không ít quảng cáo sử dụng ngôn từ phóng đại, sai sự thật, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 93/2016, đề xuất siết chặt hoạt động quảng cáo mỹ phẩm, yêu cầu nội dung quảng cáo phải bám sát công dụng đã công bố của sản phẩm, không sử dụng các từ ngữ như “điều trị”, “khỏi hẳn”, “cắt đứt", "khỏi ngay",...
Nhiều bạn đọc đã lên tiếng ủng hộ quy định mới này; đồng thời góp thêm ý kiến thể hiện sự quan tâm lớn đến vấn đề quản lý thông tin trong lĩnh vực mỹ phẩm - một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay.
Người dân đã quá mệt mỏi với những quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Lời quảng cáo có cánh, chất lượng gây lo ngại
Bạn đọc Trần Ngân cho biết không khó để bắt gặp hàng loạt video quảng cáo mỹ phẩm trên mạng xã hội với những lời hoa mỹ như “trắng da sau 3 ngày”, “trị nám tận gốc”, “tái tạo da như em bé”.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm được tiếp thị bởi người nổi tiếng, KOLs hay các nhà bán hàng online, khiến người tiêu dùng dễ dàng tin theo.
Việc Bộ Y tế chủ động xây dựng Dự thảo Nghị định mới với những quy định kịp thời, sát với thực tiễn là tín hiệu tích cực, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để các quy định thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và chính cộng đồng tiêu dùng.
Luật sư VŨ DUY NAM
“Một ví dụ gần đây là kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do công ty của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng phân phối. Dù được quảng cáo sở hữu chỉ số SPF 50 nhưng kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy sản phẩm chỉ đạt SPF 2,4, mức không đủ bảo vệ da trước tác hại của tia UV, gây lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe người dùng. Sản phẩm hiện đã bị thu hồi và tiêu hủy” - chị Ngân nói.
Bạn đọc Như Huỳnh bày tỏ bức xúc trước vụ việc quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm kẹo rau củ Kera, vốn đã làm dậy sóng dư luận và buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. Theo chị, việc những người nổi tiếng tham gia quảng cáo và khẳng định “một viên kẹo Kera tương đương một đĩa rau luộc”, trong khi kiểm nghiệm cho thấy mỗi viên chỉ chứa 0,017g chất xơ, là hành vi thiếu trách nhiệm và gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng đặt niềm tin vào người nổi tiếng, nhưng rồi thất vọng vì bị lừa. Bây giờ, quảng cáo sai sự thật không thể chỉ giải quyết bằng một lời xin lỗi mà phải phạt thật nặng người đã lừa dối khách hàng” - chị Như Huỳnh chia sẻ.
Bạn đọc Nguyễn Trọng Phúc cũng chia sẻ: “Nếu không có chế tài rõ ràng, người tiêu dùng sẽ mãi là nạn nhân của những lời nói dối trong quảng cáo. Nhiều người nghe quảng cáo mỹ phẩm còn tưởng nhầm là thuốc chữa bệnh do cách quảng cáo đánh tráo khái niệm. Siết chặt nội dung quảng cáo là việc làm rất cấp thiết”.
Minh bạch hơn, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn
Trao đổi với PV, luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết điểm mới đáng chú ý của dự thảo lần này là Điều 33 nghiêm cấm quảng cáo mỹ phẩm sử dụng các từ ngữ dễ gây hiểu lầm về tính năng như: “điều trị”, “cắt đứt”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”…
Đây là quy định rất cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm bị thổi phồng công dụng như thuốc, vốn là thực trạng phổ biến lâu nay, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo Điều 55 và Điều 56 cũng quy định rõ về thẩm quyền thu hồi sản phẩm vi phạm và yêu cầu công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử, giúp người dân chủ động tra cứu, giám sát thông tin về sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường...
Theo luật sư, dưới góc nhìn pháp lý, đây là một dự thảo Nghị định có tính phù hợp với thực tiễn, bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng quảng cáo trực tuyến.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực thi, cần ban hành hướng dẫn chi tiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giám sát quảng cáo mỹ phẩm, đồng thời tăng cường tập huấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Bạn đọc hiến kế trị quảng cáo "lố"
Chị Nguyễn Thanh Hà góp ý: “Cũng nên có quy định rõ về việc sử dụng hình ảnh ‘trước - sau’ khi dùng sản phẩm. Đây là một trong những chiêu trò phổ biến để đánh lừa người tiêu dùng”.
Chị Ngọc Hân nêu ý kiến: “Chúng ta cần tạo một cổng thông tin tra cứu sản phẩm mỹ phẩm quốc gia, nơi người tiêu dùng có thể kiểm tra các thông tin đã công bố và cảnh báo vi phạm nếu phát hiện quảng cáo sai sự thật.
HUỲNH THƠ
Nguồn PLO : https://plo.vn/quang-cao-thoi-phong-cong-dung-my-pham-nguoi-tieu-dung-da-qua-ngan-ngam-post851267.html