Bộ Y tế đề xuất cấm nhiều hành vi và từ ngữ trong quảng cáo mỹ phẩm

Bộ Y tế đề xuất cấm nhiều hành vi và từ ngữ trong quảng cáo mỹ phẩm
5 giờ trướcBài gốc
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả giám sát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp rõ ràng và đặc biệt là siết chặt hoạt động quảng cáo mỹ phẩm - lĩnh vực vốn tồn tại nhiều bất cập, sai lệch trong truyền thông sản phẩm.
Theo dự thảo, các sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường phải bảo đảm không gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng đúng theo hướng dẫn, thông tin ghi nhãn, dạng bào chế. Chủ sở hữu hoặc cơ sở sản xuất phải đánh giá tính an toàn từng sản phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN. Ngoài ra, mỹ phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về giới hạn kim loại nặng, vi sinh vật và tạp chất dạng vết theo quy định tại các phụ lục cập nhật từ Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN (ACC). Bộ Y tế cũng sẽ công khai danh mục các thành phần bị cấm hoặc bị giới hạn nồng độ, hàm lượng, phạm vi sử dụng để các doanh nghiệp và địa phương nắm rõ.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là việc các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm sẽ tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung quảng cáo sản phẩm mà không cần thực hiện thủ tục xác nhận với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo bắt buộc phải phù hợp với bản chất sản phẩm, đúng công dụng được công bố, không gây hiểu nhầm là thuốc hoặc có khả năng điều trị bệnh.
Bộ Y tế đề xuất cấm tuyệt đối các hành vi lợi dụng uy tín của ngành y tế như sử dụng hình ảnh, tên tuổi, bài viết, trang phục của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hoặc cơ sở y tế để quảng cáo. Đồng thời, nghiêm cấm sử dụng ngôn từ gây hiểu nhầm, phóng đại công dụng hoặc khẳng định tuyệt đối.
Cụ thể, không được sử dụng các cụm từ như “điều trị”, “chữa khỏi”, “giảm ngay”, “khỏi hẳn”, “tiệt trừ”, “diệt virus”, “giảm sẹo”, “xóa sẹo”, “trị nám vĩnh viễn”, “trắng da thần tốc”, “trị mụn siêu tốc”, “100% tự nhiên”, “hiệu quả 100%”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “hàng đầu”, “đảm bảo”, “an toàn tuyệt đối”... Ngoài ra, những từ ngữ liên quan đến công dụng không được phép công bố như “kích thích mọc tóc”, “giảm mỡ”, “giảm cân”, “ngăn mọc lông”, “ngừng tiết mồ hôi” hoặc “xăm vĩnh viễn” cũng bị cấm. Tất cả từ ngữ tương đương, nằm trong danh mục hạn chế của dự thảo cũng không được phép xuất hiện trong quảng cáo mỹ phẩm.
Bên cạnh nội dung quảng cáo, Bộ Y tế cũng quy định rõ về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Cơ sở sản xuất phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo về CGMP (Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm ASEAN), có đủ kinh nghiệm; nhà xưởng, thiết bị và hệ thống quản lý chất lượng phù hợp. Người phụ trách sản xuất và chất lượng phải có bằng đại học chuyên ngành phù hợp, làm việc toàn thời gian và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm.
Ảnh minh họa
Việc xây dựng nghị định mới xuất phát từ thực tế cho thấy Nghị định 93/2016/NĐ-CP sau 8 năm thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập: quy định thiếu cụ thể về công dụng mỹ phẩm gây khó khăn trong phân loại; hiệu lực phiếu công bố kéo dài 5 năm – vượt quá vòng đời nhiều sản phẩm (thường chỉ 2–3 năm); phần mềm quản lý chưa đồng bộ giữa trung ương và địa phương khiến công tác hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn.
Ngoài ra, mỹ phẩm thuộc nhóm ngành kinh doanh không điều kiện (chỉ áp dụng điều kiện cho sản xuất), gây khó khăn trong kiểm soát chất lượng tại các cơ sở bán lẻ. Việc mua mẫu kiểm nghiệm tại các đơn vị ngoài ngành y tế cũng gặp nhiều cản trở do thiếu sự phối hợp. Bên cạnh đó, quy định cũ chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá tái kiểm tra hoặc thu hồi Giấy chứng nhận sản xuất nếu cơ sở vi phạm.
Dự thảo nghị định mới, khi hoàn thiện và được ban hành, sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch, hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn khu vực, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lành mạnh hóa hoạt động quảng cáo và nâng cao chất lượng thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/bo-y-te-de-xuat-cam-nhieu-hanh-vi-va-tu-ngu-trong-quang-cao-my-pham-d289227.html