Nhiều năm qua, tình trạng nghệ sĩ, KOL nhận quảng cáo tràn lan, thổi phồng công dụng sản phẩm, thậm chí tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng khiến dư luận bức xúc.
Rút ruột uy tín để đổi lấy tiền mặt
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng đây là một thực trạng đáng báo động, không chỉ vì số lượng các trường hợp vi phạm đang ngày càng nhiều, mà còn vì mức độ “trơ lì” trong ứng xử sau khi vi phạm.
Tình trạng nghệ sĩ quảng cáo lố, thổi phồng công dụng sản phẩm, thậm chí là tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng… đang diễn ra như một “dịch bệnh âm thầm” trong ngành giải trí, nhưng lại gây hậu quả rất thật trong đời sống người tiêu dùng.
Nhiều nghệ sĩ Việt bị gọi tên vì quảng cáo lố, thổi phồng chất lượng sản phẩm, thậm chí tiếp tay cho hàng giả.
Điều đáng nói nghệ sĩ không chỉ là một người làm nghề - họ là biểu tượng, là hình mẫu của niềm tin công chúng. Khi một nghệ sĩ gắn tên mình với một sản phẩm, họ không chỉ giúp bán được hàng, mà đang chuyển giao uy tín của mình cho sản phẩm đó. Vì thế, nếu sản phẩm là giả, là nguy hại thì niềm tin đó cũng bị phản bội.
Ở góc độ truyền thông, chuyên gia nhận định đây không còn là câu chuyện về lỗi cá nhân, mà là dấu hiệu của một khủng hoảng hệ thống, trong đó đạo đức nghề nghiệp không còn được coi trọng như giá trị cốt lõi, mà bị thay thế bởi lượt tương tác, giá cát-xê, và độ viral.
“Tôi cho rằng nghệ sĩ đang ‘bán rẻ’ uy tín, danh dự vì tiền. Rất nhiều người đang làm điều đó một cách chủ động, thậm chí coi đó là chiến lược kiếm tiền ngắn hạn. Trong thế giới truyền thông hiện đại, nơi mà số lượt xem, tương tác và viral quyết định cơ hội hợp đồng, nhiều nghệ sĩ đã chấp nhận đánh đổi những giá trị nền tảng như danh dự và uy tín để lấy hiệu quả thương mại tức thời”, chuyên gia nói.
Theo chuyên gia, vấn đề không nằm ở chuyện nghệ sĩ quảng cáo vì họ hoàn toàn có quyền khai thác hình ảnh cá nhân để kiếm sống. Vấn đề ở chỗ họ quảng cáo mà không cần biết đúng - sai, không cần xác thực thông tin, không quan tâm hậu quả mà công chúng có thể gánh chịu. Từ việc thổi phồng sản phẩm, tung hô công dụng thần thánh, cho đến việc gắn tên tuổi với những thương hiệu không rõ nguồn gốc - tất cả đều là biểu hiện của việc tự “rút ruột” uy tín để đổi lấy tiền mặt.
“Từ góc nhìn truyền thông, đây là sự tự sát thương hiệu một cách chậm rãi. Bởi uy tín không phải là thứ có thể tái tạo dễ dàng như lượt follow hay tương tác ảo. Danh tiếng có thể được xây dựng trong 10 năm bằng nghệ thuật, nhưng có thể sụp đổ chỉ sau 10 phút nếu công chúng cảm thấy bị phản bội. Đáng tiếc là hiện nay, một bộ phận nghệ sĩ vẫn đang bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền nhanh mà quên rằng: tiền có thể giải quyết trước mắt, nhưng danh dự mới là tài sản để sống lâu dài với nghề”, chuyên gia nhấn mạnh.
Thấy gì từ sự im lặng của nghệ sĩ
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói sự im lặng trong truyền thông, đặc biệt từ những người có ảnh hưởng luôn mang thông điệp. Khi một nghệ sĩ bị công chúng đặt câu hỏi, báo chí lên tiếng, thậm chí bị người tiêu dùng nêu tên, nhưng vẫn chọn cách phớt lờ hoặc im lặng, thì điều đó không chỉ thiếu tôn trọng khán giả, còn thể hiện một thái độ thờ ơ đáng ngại về trách nhiệm xã hội.
Đến thời điểm hiện tại, MC Hoàng Linh chưa lên tiếng dù liên tục bị khán giả nhắc tên sau khi hãng sữa cô quảng cáo nằm trong đường dây sữa giả.
Cách ứng xử này phản ánh văn hóa né tránh đã tồn tại khá lâu trong giới giải trí: cứ im, rồi công chúng sẽ quên. Nhưng thực tế đang thay đổi. Mạng xã hội không quên, và niềm tin công chúng - một khi đã rạn nứt - sẽ không dễ lành lại. Những nghệ sĩ chọn im lặng đang đánh cược rằng: “không phản hồi thì sẽ không thêm lỗi”. Nhưng trong mắt công chúng, không phản hồi đồng nghĩa không dám chịu trách nhiệm.
“Chúng ta không nên chỉ trích cảm tính, nhưng cũng không thể tiếp tục dung túng cho sự im lặng mang tính chiến lược này. Giải pháp không chỉ đến từ phía công chúng mà cần sự vào cuộc của các nền tảng công nghệ, các hiệp hội nghề nghiệp, và cả báo chí chính thống. Cần có các cơ chế buộc nghệ sĩ phải minh bạch, trả lời công luận, hoặc không sẽ chấp nhận mất các quyền lợi thương mại tương ứng. Với công chúng, điều quan trọng là duy trì áp lực một cách tỉnh táo, không bạo lực mạng, không vu khống, nhưng liên tục chất vấn: ‘Tại sao bạn không lên tiếng?’, ‘Tại sao bạn có thể nhận hàng trăm triệu đồng từ quảng cáo, nhưng lại không có một lời xin lỗi khi sản phẩm gây hại?’. Mỗi câu hỏi như vậy đều là một cách nâng chuẩn đạo đức nghề nghiệp - không bằng luật, mà bằng dư luận có lý trí. Sự im lặng không thể là tấm khiên nữa. Nếu nghệ sĩ đã chọn ánh hào quang, họ phải chấp nhận cả trách nhiệm dưới ánh sáng đó”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cần cấm sóng, cấm quảng cáo với nghệ sĩ vi phạm
Ở góc độ truyền thông, chuyên gia cho rằng hệ lụy của việc nghệ sĩ quảng cáo lố, quảng cáo hàng giả không dừng lại ở phạm vi cá nhân, mà lan rộng và gây tổn hại nghiêm trọng trên nhiều tầng lớp xã hội.
Người tiêu dùng là nạn nhân trực tiếp. Họ bị dẫn dắt bởi niềm tin vào hình ảnh nghệ sĩ - một niềm tin được xây dựng từ những vai diễn tử tế, những bài hát truyền cảm hứng, những phát ngôn “trí tuệ” trên sóng truyền hình. Nhưng khi niềm tin đó bị đặt vào sản phẩm sai, hệ quả không chỉ là mất tiền, mà có thể là mất sức khỏe, mất an toàn, thậm chí mất cả sự tỉnh táo trong lựa chọn tiêu dùng.
Ở cấp độ rộng hơn, việc nghệ sĩ quảng cáo vô tội vạ, sai sự thật làm suy giảm lòng tin xã hội vào toàn bộ hệ thống truyền thông. Lúc đó, truyền thông không còn là kênh kết nối, mà trở thành vùng nhiễu loạn. Sự mất kiểm soát ấy không chỉ ảnh hưởng đến người làm truyền thông chân chính, mà còn bào mòn giá trị của những nghệ sĩ nghiêm túc, những người vẫn giữ đạo đức nghề nghiệp nhưng phải gánh chịu nghi ngờ chung.
Về dài hạn, hệ lụy còn là sự méo mó trong định hướng giá trị sống. Khi giới trẻ nhìn thấy “chỉ cần nổi tiếng là có thể kiếm hàng trăm triệu đồng từ việc nói vài câu về một sản phẩm không kiểm chứng”, họ có thể bắt đầu tin rằng sự thật không quan trọng bằng khả năng gây ảnh hưởng. Đó là điểm khởi đầu cho một xã hội lệch chuẩn, nơi truyền thông trở thành công cụ thao túng, thay vì lan tỏa sự tử tế.
Theo chuyên gia, một số trường hợp người nổi tiếng bị xử phạt, khởi tố khi phát giác sai phạm chưa đủ sức răn đe, thậm chí còn nhẹ và thiếu tính hệ thống.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích những mức phạt hành chính hiện nay phần lớn chỉ mang tính tượng trưng, trong khi lợi nhuận từ việc quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần. Như vậy, hình phạt hiện nay không phải là rào cản, mà chỉ như chi phí vận hành nằm trong dự trù rủi ro của nghệ sĩ và doanh nghiệp.
“Một số trường hợp bị khởi tố là tín hiệu tích cực, nhưng vẫn mang tính đơn lẻ, chưa đủ tạo thành ‘hiệu ứng domino’ răn đe toàn ngành. Đặc biệt là trong môi trường truyền thông xã hội, tốc độ lan truyền sai lệch nhanh hơn tốc độ xử lý, và khả năng công chúng... quên cũng rất nhanh, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ giữa cơ quan chức năng, nền tảng công nghệ, cộng đồng người dùng và cả báo chí chính thống”, chuyên gia nói.
Theo chuyên gia, nếu muốn răn đe thực sự, cần một hệ chế tài mới, không chỉ dựa vào tiền phạt, mà gồm cả các biện pháp ngăn chặn về nghề nghiệp như cấm sóng, cấm quảng cáo, giảm uy tín số (thuật toán hạn chế hiển thị), và đặc biệt là cơ chế giám sát công khai. Khi rủi ro về hình ảnh, tài chính, và danh tiếng trở nên cụ thể, thì hành vi tự giác mới có cơ hội được hình thành.
Ngăn chặn những cú ‘trượt chuẩn’ của người nổi tiếng
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng để ngăn chặn một cách triệt để tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả, cần phải tiếp cận vấn đề từ gốc rễ hệ sinh thái, chứ không chỉ giải quyết từng trường hợp nổi cộm theo kiểu “dập lửa chỗ cháy”. Có bốn hướng then chốt cần đồng thời vận hành:
Thứ nhất, siết chặt khung pháp lý và chế tài. Mức phạt hiện tại còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà nghệ sĩ thu được từ quảng cáo sai lệch. Cần xây dựng khung xử phạt có tính răn đe thực sự, bao gồm cả hành chính, dân sự và hình sự – với mức phạt tỷ lệ thuận với doanh thu quảng cáo, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính. Cần phân biệt rõ giữa vô ý và cố ý, giữa không biết và không muốn biết, để có biện pháp xử lý tương xứng.
Thứ hai, xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp dành riêng cho nghệ sĩ và người có ảnh hưởng. Đây không chỉ là quy định mang tính hình thức, mà là hệ chuẩn mực nghề nghiệp do các hiệp hội nghệ thuật, hội quảng cáo và các đơn vị quản lý cùng tham gia xây dựng, giám sát và cập nhật định kỳ. Không thể để người nổi tiếng tự vận hành ảnh hưởng của mình một cách vô trách nhiệm mà không có cơ chế kiểm soát.
Thứ ba, vai trò của nền tảng công nghệ phải trở nên chủ động và minh bạch. Facebook, YouTube, TikTok không thể mãi là “người ngoài cuộc kỹ thuật”. Họ cần có cơ chế đánh giá uy tín tài khoản, cảnh báo nội dung sai lệch, giới hạn hiển thị, khóa kênh vi phạm, và đặc biệt là hợp tác với cơ quan chức năng khi có yêu cầu điều tra. Thực tế cho thấy, nghệ sĩ sợ bị “bay kênh” hơn là sợ phạt hành chính vì đó là nguồn sống chính trong thời đại số.
Thứ tư, nâng cao ý thức người tiêu dùng. Công chúng không chỉ có quyền mà còn có sức mạnh. Việc từ chối tin tưởng, hủy theo dõi, báo cáo vi phạm, hay thậm chí đơn giản là đặt câu hỏi dưới các bài đăng quảng cáo đều là hành vi góp phần thiết lập lại mặt bằng đạo đức truyền thông. Sự tỉnh táo của công chúng là hàng rào đầu tiên và cuối cùng chống lại những cú “trượt chuẩn” của người nổi tiếng.
Chúng ta không thể ngăn tất cả các sai phạm, nhưng hoàn toàn có thể tạo ra một hệ sinh thái mà sai phạm không thể sống sót quá lâu. Khi trách nhiệm được đặt lên vai tất cả các bên từ nghệ sĩ, doanh nghiệp, nền tảng, đến người tiêu dùng thì lúc đó, quảng cáo mới không còn là cuộc chơi của “ai nổi tiếng hơn” mà là cuộc thi của “ai đáng tin hơn”.
Đỗ Quyên