Phát triển rừng, các hệ sinh thái nhằm hấp thụ carbon. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Theo giới chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn. Do đó, các công cụ tài chính xanh là những yếu tố tiên quyết để thực hiện cam kết, không chỉ đảm bảo nguồn lực giảm phát thải mà còn tạo cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Trong đó, định giá carbon, vận hành thị trường carbon trong nước là “đòn bẩy” quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam thời gian tới.
Hiện nay, các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý nhằm phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025.
5 nhóm giải pháp trọng tâm
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và môi trường) - ông Nguyễn Tuấn Quang cho hay tác động của biến đổi khí hậu đang và sẽ tiếp tục diễn ra hết sức nặng nề nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Vì vậy, ngay sau khi đưa ra cam kết Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành đề án thực hiện cam kết, trong đó đưa ra 5 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, chuyển dịch năng lượng là giải pháp cốt lõi, theo hướng tăng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu tái tạo.
Theo ông Quang, giải pháp trên đòi hỏi sự nỗ lực lớn, bởi năng lượng tái tạo có tính không ổn định, nên cần phải phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để năng lượng tái tạo hoạt động ổn định.
Nhóm giải pháp thứ hai là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đi kèm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thứ ba là phát triển rừng, các hệ sinh thái nhằm hấp thụ carbon, nhất là các hệ sinh thái biển và ven biển.
“Đơn cử như rừng ngập mặn, hệ sinh thái này có tiềm năng hấp thụ khí nhà kính cao gấp 3-5 lần so với rừng trên cạn. Đây là một lợi thế lớn mà Việt Nam cần tận dụng để phát triển bền vững,” ông Quang nêu ví dụ.
Giải pháp thứ tư là thu hồi và lưu trữ carbon.
“Chúng ta có thể tận dụng các mỏ than, dầu khí đã khai thác hết để thu hồi và lưu trữ carbon tại các tầng địa chất bên dưới. Đây là giải pháp có tiềm năng, dù chi phí còn rất cao. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chi phí sẽ ngày càng giảm và giải pháp này hoàn toàn khả thi trong tương lai,” Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh.
Tiếp theo đó là giải pháp định giá carbon và phát triển thị trường carbon. Theo ông Quang, đã có 80 quốc gia trên thế giới áp dụng cơ chế định giá carbon, chủ yếu dưới hai hình thức là thuế carbon và thị trường carbon.
Đơn cử như tại châu Âu, hệ thống thị trường carbon được triển khai từ năm 2005, đã giúp giảm khoảng 37% lượng phát thải. Tại Singapore, Trung Quốc, việc đánh thuế carbon cũng là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát phát thải; nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực phát triển thị trường carbon.
“Đây là một chủ đề rất đúng và trúng trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết về phát thải ròng bằng 0,” ông Quang nói.
Gấp rút vận hành thử nghiệm thị trường carbon
Về lộ trình triển khai, ông Quang cho biết ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon. Theo đó, từ nay đến năm 2028, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm, và đến năm 2029 sẽ vận hành chính thức đồng thời kết nối với thị trường carbon thế giới.
Phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025. (Ảnh: TTXVN)
Hiện nay, các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý nhằm phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025.
Về cơ sở pháp lý, ông Quang cho biết Việt Nam đã có Nghị định số 06 của Chính phủ, ban hành ngày 7/1/2022, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Gần đây nhất là Nghị định số 119/2025/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 9/6/2025, sửa đổi một số điều của Nghị định 06.
Bộ Tài chính hiện đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, các nghị định trên là bước cực kỳ quan trọng, bởi nếu thực hiện giao dịch tín chỉ quốc tế có kèm điều chỉnh tương ứng, thì lượng phát thải giảm của Việt Nam sẽ không còn được tính vào mục tiêu quốc gia, mà sẽ chuyển sang phần đóng góp của nước mua.
"Nếu không có cơ chế quản lý chặt, chúng ta sẽ bị ‘mất phần’ trong cam kết mà mình đã tuyên bố, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đạt được Net Zero. Cũng bởi thế, theo kế hoạch, toàn bộ hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cần thiết sẽ được hoàn thiện trong năm nay để thị trường carbon có thể vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2025,” ông Quang chia sẻ.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - ông Nguyễn Đình Thọ cũng nhấn mạnh Việt Nam có nhiều tiềm năng để triển khai thị trường carbon, với lợi thế về diện tích rừng, sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo, khả năng giảm phát thải trong nông nghiệp cũng như lĩnh vực xử lý chất thải.
"Do đó, thị trường carbon sẽ sớm được thí điểm tại Việt Nam và được chính thức vận hành vào năm 2029. Song, để thực sự đi vào vận hành thị trường carbon, có nhiều khoảng trống vẫn cần phải được lấp đầy," ông Thọ nói.
Cụ thể, theo ông Thọ, mặc dù Việt Nam đã có nhiều văn bản mang tính định hướng, nhưng thiếu quy định cụ thể về tổ chức thực hiện, dẫn tới khó khăn trong triển khai. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp liên ngành, chia sẻ dữ liệu, kiểm tra giám sát và minh bạch hóa vẫn còn yếu; hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) mới ở giai đoạn đầu, chưa có phương pháp chuẩn áp dụng toàn quốc; phương pháp kiểm kê phát thải còn thiếu chính xác…
Từ những thách thức trên, ông Thọ đề xuất điều tiên quyết là triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn theo hướng chi tiết về quy trình kỹ thuật, đi kèm với cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan để đảm bảo chia sẻ dữ liệu đồng bộ, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành vận hành một hệ thống riêng.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý cần thiết lập một nền tảng quản lý tín chỉ carbon toàn quốc, áp dụng định dạng dữ liệu chuẩn và cơ chế kiểm kê, hồ sơ giao dịch thống nhất nhằm tránh sai lệch, rủi ro khi chuyển giao tín chỉ. Về sàn giao dịch carbon, cần lựa chọn mô hình phù hợp, nghiên cứu cơ chế vận hành minh bạch và giám sát của nhà nước.
Theo bà Betty Pallard - CEO ESG Climate Consulting (công ty chuyên cung cấp các giải pháp và dịch vụ tư vấn về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh), tín chỉ carbon đang trở thành sản phẩm tài chính đặc biệt, không hoạt động trên cơ chế mua - bán thông thường mà cần được hiểu dưới dạng đầu tư vào các dự án giảm phát thải.
Vì vậy, với nền kinh tế có thế mạnh về nông nghiệp, bà Betty Pallard nhận định tín chỉ carbon sẽ là “cuộc chơi của Việt Nam.” Bên cạnh đó, người Việt cũng giỏi về toán học, do đó vị chuyên gia ESG tin rằng Việt Nam sẽ sớm làm chủ được các công cụ kiểm đếm, đo đạc tín chỉ carbon.
Tuy vậy, bà Betty Pallard cũng đặc biệt lưu ý đến thương hiệu của tín chỉ carbon. Vì vậy, khi giới thiệu với các đối tác về tín chỉ carbon, cần nhấn mạnh những giá trị đằng sau đó, về cả lịch sử hay những nỗ lực của cả cộng đồng trong việc giảm phát thải gắn với phục hồi đất và bảo tồn văn hóa./.
(Vietnam+)