Cảm nhận về Bác của các nhà thơ ở xứ Trầm

Cảm nhận về Bác của các nhà thơ ở xứ Trầm
5 giờ trướcBài gốc
Trong sáng tác thơ ca ở Khánh Hòa, mảng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếm vị trí quan trọng. Mỗi nhà thơ có những cảm nhận riêng, nhưng tất cả đều nghĩ và viết về Bác với tình cảm chân thành, cùng những câu từ gần gũi, trân quý nhất.
Trong số tháng 5 của Tạp chí Nha Trang vừa được phát hành, chúng tôi thấy có những bài thơ viết về Bác Hồ với những góc nhìn và cảm nhận khá tinh tế. Nhà thơ Võ Hoàng Nam cảm nhận về Bác đặt trong mối quan hệ với nhân dân để viết nên bài thơ “Bác chỉ nhận mình là hạt cát”. Qua đó, tác giả đã phần nào thể hiện được tình cảm, suy nghĩ của Bác Hồ đối với nhân dân: “Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân/Bác luôn nghĩ về dân, lo cho dân tất cả/Lòng thương dân của Bác bao la như biển cả/Muốn đất nước thống nhất quốc thái dân an…”. Với tác giả Nguyễn Đại Duẫn, lại thể hiện tình cảm của mình đối với Bác bằng cách ghi lại cảm nhận của mình sau một lần “Về thăm quê Bác”. Ở đó, tác giả không chỉ thấy được cảnh vật thân quen, giản dị ở nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, làng xóm. Từng hàng cau, nếp nhà, ao sen, đồng lúa… hôm nay đều gợi nhớ về những ngày thơ ấu của Bác. “Con về quê Bác làng Sen/Hàng chè xanh mướt thân quen lối vào/Hàng cau trước ngõ vẫy chào/Còn đây cánh võng ngọt ngào lời ru…”. Từ cảnh vật ở quê Bác hôm nay, đã mang đến cho tác giả cảm nhận rõ ràng hơn về cội nguồn từ những lý tưởng, hạnh động của Bác trên con đường cách mạng. “Vì dân, vì Đảng trọn đời/Ấm câu ví dặm tiễn người đi xa/Ngôi sao tỏa sáng Người cha/Tình yêu đất nước bao la tình Người”.
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chương trình kỷ niệm Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653 - 2023). Ảnh minh họa.
“Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại” (Thuận Yến), nên thật dễ hiểu khi các nhà thơ Việt Nam trước đây, bây giờ và mai sau luôn dành những tình cảm, vần thơ đẹp nhất để viết về Bác. Dù tài năng, góc nhìn và cảm xúc thơ của mỗi người khác nhau, nhưng tất cả gặp nhau ở niềm yêu mến, tự hào về Bác - một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một người đã cống hiến, hy sinh trọn cuộc đời mình cho những lý tưởng cao đẹp nhất đối với đất nước, nhân dân. Tiếp nối mạch cảm xúc thơ ca về Bác của những lớp nhà thơ đi trước, đội ngũ những người làm thơ ở xứ Trầm hôm nay luôn cố gắng tìm tòi, thể hiện những cảm xúc thơ về Bác. Qua đó, góp phần bồi đắp thêm kho tàng thơ ca về đề tài Bác Hồ ngày càng đầy hơn, phong phú, đa dạng hơn, nhưng cũng thật cụ thể. Chẳng hạn, nhà thơ Hoàng Bích Hà thể hiện cảm xúc về Bác ở khía cạnh “Lòng thương dân của Bác Hồ” với những câu thơ như: “Trong muôn vàn tình yêu thương của Bác/Cháu cảm động vô cùng lòng Bác thương dân/Một chủ tịch nước cao sang nhưng lại rất gần/Bác sống giản dị trong ngôi nhà sàn thoáng mát…”. Còn với tác giả Hoài Khánh, sau lần được đến thăm căn phòng nơi “Bác Hồ viết Tuyên ngôn”, đã không dấu nổi cảm xúc, cũng như sự mường tượng của bản thân về những ngày Bác Hồ ngồi ở nơi đây để viết nên những câu từ khẳng định tâm thế của triệu triệu người dân Việt Nam. “Căn phòng ắp gió thu Hà Nội/Trong ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang/Người mặc áo nâu vừa qua cơn sốt rét/Đôi mắt sáng ngời đưa lịch sử sang trang… Mọi người bình đẳng khi được sinh ra/Được quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc/Tháng Tám vùng lên đã hồi sinh dân tộc/Bản đồ thế giới ghi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Đất nước bao lần khẳng định chủ quyền/Nay Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập/Để một sáng Ba Đình hò reo theo tiếng Bác/Hàng chục triệu đồng bào thề giữ vững Tự do…”.
Bác Hồ là hiện thân của cái đẹp, bởi Người đã sống một cuộc đời cách mạng vì nước, vì dân. Từ ngày đất nước còn trong đêm trường nô lệ lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã một thân, một mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt chặng đường tròn 30 năm bôn ba nước ngoài để tìm ánh sáng giải phóng dân tộc, Bác đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy cho bản thân mình, tất cả chỉ vì lý tưởng duy nhất là nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do. Mùa xuân năm 1941, núi rừng Việt Bắc vui đón bước chân của Bác trở về, cũng từ đó phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự chèo lái, lãnh đạo của Bác đã đi hết thắng lợi này đến thành công khác. Đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Bác vẫn dành trọn tình cảm, sự quan tâm đến đất nước, nhân dân. Những lời di chúc của Bác để lại càng chiếu sáng thêm lý tưởng, tình yêu thương nồng ấm của Người. Tác giả Võ Hoàng Nam trong bài thơ “Đọc di chúc Bác Hồ” đã viết: “Trên ngực Bác không có huân, huy chương/Nhưng trong tim Bác có cả một dân tộc vĩ đại/Bác đi xa nhưng tư tưởng đạo đức còn mãi/Cho mọi thế hệ Việt Nam học tập noi theo Người”.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Bác, đọc lại những bài thơ viết về Bác của các nhà thơ Khánh Hòa để chúng ta thấy được tình cảm của thế hệ hôm nay vẫn vẹn nguyên niềm kính yêu vô vàn đối với Bác. Những bài thơ đó là tình cảm chân thành, là biểu hiện cụ thể trong cảm xúc của người dân hôm nay đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
GIANG ĐÌNH
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/cam-nhan-ve-bac-cua-cac-nha-tho-o-xu-tram-9c97080/