Cấm xe xăng cần không làm xáo trộn cuộc sống của người dân
Chỉ thị 20 của Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đảm bảo từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Lộ trình tiếp theo là hạn chế ôtô cá nhân chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2 từ năm 2028 và mở rộng ra Vành đai 3 vào năm 2030.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, cho biết ô nhiễm không khí là vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới. Các thành phố Hà Nội, TP HCM của Việt Nam cũng ghi nhận độ đậm đặc của khí bụi, oxit nitơ, oxit cacbon, bụi khói. Ngoài lượng phát thải từ các phương tiện giao thông, các nhà máy điện, than hay khu công nghiệp cũng là nguồn gây ô nhiễm trực tiếp ra môi trường cần được giám sát chặt chẽ.
Cấm xe máy chạy xăng cần đến nhiều chính sách đồng bộ, tổng thể.
Năm 2024, TP Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.
Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho thấy khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.
"Nhưng làm gì cũng cần phải có điều kiện cần và đủ để khi thực hiện, không làm xáo trộn cuộc sống của người dân, không nhiêu khê, phức tạp hóa vấn đề thì sẽ được đại đa số ủng hộ", ông Thủy nói.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá chủ trương được quy định trong chỉ thị là chính xác, liên quan đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Do đó, chủ trương cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 theo PGS.TS Bùi Thị An là "tuyệt đối đúng", đặc biệt đối với những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Để thực hiện tốt chủ trương mà không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cuộc sống của người dân, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh Hà Nội phải triển khai một loạt giải pháp:
Thứ nhất, Thủ đô phải có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ người dân đổi từ xe xăng sang xe điện. Bởi tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh của số đông người dân. Từ người bán hàng, shipper, xe ôm, công chức, người lao động đến sinh viên, thậm chí bà nội trợ cũng đều sử dụng xe máy. Do đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện.
Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh – cụ thể là các trạm sạc điện – đủ để đáp ứng nhu cầu khi người dân chuyển đổi phương tiện. Không độc quyền cổng sạc điện để khuyến khích người dân có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện.
Thứ ba, phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh. Ví dụ, người dân di chuyển đến khu vực Vành đai 1, nếu đi xe máy xăng cần có chỗ gửi xe hợp lý, cùng với đó là các phương tiện công cộng xanh (buýt điện, metro) thuận tiện giúp họ tiếp tục hành trình mà không bị gián đoạn.
Nên đầu tư phát triển đường sắt đô thị trước
Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, PGS.TS Vũ Thành Ca, giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết, ô nhiễm không khí nặng xảy ra chủ yếu vào mùa đông, khi có nghịch nhiệt. Hiện trượng này thường xảy ra trước những đợt gió mùa đông bắc. Lúc đó, trời rất lặng và gió rất nhẹ nên không có khả năng tạo ra những xáo trộn không khí.
Do hiện tượng làm lạnh mặt đất bởi sóng bức xạ có chu kỳ dài (sóng dài) nên lớp không khí gần mặt đất sẽ lạnh và nặng hơn hơn lớp không khí trên cao. Kết quả là chuyển động thẳng đứng của không khí rất yếu và chất ô nhiễm xả ra gần mặt đất sẽ không được pha loãng, dẫn tới ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Thành phố luôn là đảo nhiệt và nóng hơn vùng nông thôn/bán đô thị xung quanh. Điều này làm cho gió nhẹ vẫn thổi từ vùng nông thôn vào tâm thành phố. Vào kỳ thu hoạch lúa khoảng tháng 10, người dân ở khu vực quận Ba Đình cũ cứ mở cửa sổ vào khoảng nửa đêm sẽ ngửi thấy mùi khói đốt đồng từ những cánh đồng cách xa hàng chục cây số.
Gió nhẹ có nghĩa là ô nhiễm không khí vẫn di chuyển từ phường này sang phường khác, thậm chí từ ngoại thành vào trung tâm Hà Nội. Cấm xe xăng ở bên trong đường vành đai 1 có giảm được mức độ ô nhiễm không khí một chút, nhưng không đáng kể.
Tại sao ở Hà Nội hệ thống giao thông công cộng kém như vậy nhưng tắc đường không nghiêm trọng lắm, và người ta vẫn đi làm đúng giờ được? Điều này là do xe máy. Xe máy chiếm rất ít diện tích, có thể di chuyển được vào trong những cái ngõ dài dằng dặc và có khi chỉ rộng đủ cho 2 xe máy tránh nhau trong rất nhiều làng giữa trung tâm Hà Nội.
PGS.TS Vũ Thành Ca nêu quan điểm, thành phố ít xe máy thì rất văn minh. Nhưng ít xe máy thì dân Hà Nội đi lại bằng gì khi mà hệ thống giao thông công cộng yếu kém như hiện nay? Cho dù có tiền mua xe máy điện thì sẽ sạc ở đâu? Đấy là chưa kể an toàn cháy nổ. Đó là những câu hỏi cần lời giải?
Làm chính sách công luôn rất cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội – môi trường để tìm phương án tốt nhất, có lợi cho người dân nhất. Tác động kinh tế phải tính đến sinh kế, thu nhập và cuộc sống của người dân. Tác động xã hội phải tính tới thời gian người dân sử dụng để tham gia giao thông, sức khỏe và sự hài lòng, thư thái của người dân.
"Hàng ngày mất hàng giờ để chờ xe bus, ngồi trên xe bus chạy loanh quanh trước khi tới cơ quan chắc chắn sẽ không giúp người dân có sức khỏe và sự hài lòng, thư thái. Đấy là chưa kể bao người dân, chủ yếu là người nghèo, có sinh kế dựa vào xe máy.
Để cấm xe máy hay ô tô xăng thì trước hết Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương xây dựng và vận hành hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. Tôi cho rằng thay vì xây đường sắt cao tốc Bắc Nam thì trước mắt cần tập trung vào hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị nói riêng và giao thông công cộng nói chung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh", PGS.TS Vũ Thành Ca nói.
Theo PGS.TS Vũ Thành Ca, việc cấm/hạn chế phương tiện cá nhân chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đối với xe máy chạy xăng, nên kiểm định khí thải nghiêm ngặt càng sớm càng tốt và loại bỏ những xe cũ, không đạt chuẩn. Việc kiểm định khí thải sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà vẫn đảm bảo sinh kế của người dân, hạn chế tác động kinh tế - xã hội.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.
Trong đó, Vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch dài khoảng 15 km, với lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi). Đây là một trong những trục chính đô thị quan trọng, kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.
Hiện Vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện và đồng bộ toàn tuyến.
Tô Hội