Cấm xe máy xăng vào Vành đai 1 Hà Nội: Cần vẽ lại bản đồ di chuyển trong lõi đô thị

Cấm xe máy xăng vào Vành đai 1 Hà Nội: Cần vẽ lại bản đồ di chuyển trong lõi đô thị
9 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng đặt ra lộ trình từ ngày 1/7/2026, Hà Nội phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và từ tháng 1/2028 sẽ hạn chế cả xe máy và ô tô chạy xăng dầu trong Vành đai 1, Vành đai 2. Đây được xem là chủ trương mạnh mẽ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, phát triển giao thông bền vững và thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện xanh.
Song, điều này cũng khiến dư luận, đặc biệt là người dân có thu nhập trung bình và thấp, không khỏi băn khoăn khi mà với họ, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là "cần câu" mưu sinh.
Mối quan tâm không chỉ nằm ở thời điểm cấm, mà còn ở các chính sách hỗ trợ đi kèm: từ phương án gửi xe, kết nối phương tiện công cộng, đến lộ trình chuyển đổi phương tiện thân thiện với môi trường.
Xe cộ lưu thông đoạn nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội).
Ưu tiên chuyển đổi xe cho người sống trong Vành đai 1
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nhìn nhận, chỉ thị của Thủ tướng với mục tiêu rõ ràng, phù hợp với sự phát triển bền vững của cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng.
"Có khả thi không? Tôi nghĩ là khả thi trong điều kiện Hà Nội phải chuẩn bị rất nhiều giải pháp bài bản, đồng bộ, sát thực tế và đặc biệt là phải nói đi đôi với làm", bà An nhấn mạnh.
Bà An nêu rõ một trong những vấn đề chuẩn bị mang tính then chốt để chính sách này đạt được hiệu quả khi áp dụng là đánh giá tác động đến đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là những người đang sử dụng xe máy để mưu sinh.
"Hà Nội có gần 7 triệu xe máy và 1,2 triệu ô tô, chưa kể xe của người dân các vùng lân cận vào Hà Nội làm ăn buôn bán hằng ngày. Với nhiều người, đây không chỉ là phương tiện đi lại mà là công cụ kiếm sống. Nếu yêu cầu họ chuyển sang xe điện hay xe buýt trong thời gian ngắn mà không có sự hỗ trợ hợp lý thì sẽ tạo ra cú sốc lớn", bà An nói.
Hà Nội cần ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi phương tiện với người dân sống bên trong Vành đai 1 và những người đi làm ở khu vực Vành đai 1.
PGS.TS Bùi Thị An
Bà An gợi ý, chính quyền của 126 xã, phường ở Hà Nội với lợi thế gần dân, sát dân sẽ đảm nhận nhiệm vụ khảo sát từng hộ gia đình để đánh giá khi cấm xe máy chạy xăng ảnh hưởng đến bao nhiêu người, mức độ ảnh hưởng thế nào và báo cáo chính quyền thành phố để có giải pháp hỗ trợ.
Sở dĩ phải thực hiện khảo sát và phân loại, theo bà An, việc Hà Nội hỗ trợ chuyển đổi đồng loạt gần 7 triệu xe máy chạy xăng dầu sang xe máy điện là khó khả thi, tốn kém nên cần phải phân loại để hỗ trợ theo từng giai đoạn, những đối tượng cấp bách thì hỗ trợ trước.
"Với lộ trình phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026, tôi cho rằng thành phố cần sớm thực hiện khảo sát, ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi phương tiện với người dân sống bên trong Vành đai 1 và những người đi làm ở khu vực Vành đai 1", PGS.TS Bùi Thị An nói.
Theo bà An, Thủ đô cũng cần quan tâm và đẩy nhanh việc phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh.
"Ví dụ có những người ở ngoài Vành đai 1 vẫn đi xe máy vào và gửi xe ở khu vực bắt đầu cấm xe xăng thì cần có chỗ gửi xe hợp lý. Cùng với đó là các phương tiện công cộng xanh như buýt điện, metro... thuận tiện giúp họ tiếp tục hành trình mà không bị gián đoạn. Hà Nội cần vẽ lại bản đồ di chuyển, quy hoạch lại các tuyến giao thông công cộng trong lõi đô thị", PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị.
Thừa nhận còn nhiều thách thức, song bà Bùi Thị An bày tỏ niềm tin lớn vào khả năng thành công của Hà Nội nếu các điều kiện cần thiết được đảm bảo như việc đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ; có chính sách hỗ trợ đổi phương tiện công bằng, minh bạch; tổ chức thực hiện quyết liệt từ cấp thành phố tới từng xã, phường; đảm bảo quyền tiếp cận giao thông của người dân không bị ảnh hưởng.
Hỗ trợ lãi suất trả góp cho người dân mua xe điện
Đồng tình với việc thực hiện khảo sát và phân loại để thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến nhóm thu nhập thấp.
Trước tiên, theo ông Thanh, thành phố cần khảo sát số lượng xe máy chạy xăng hiện có, phân loại theo niên hạn và tình trạng sử dụng để xây dựng gói hỗ trợ phù hợp.
Xe máy còn mới, có giá trị sử dụng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi chuyển đổi, xe quá cũ có thể không hỗ trợ nhưng được khuyến khích thu hồi. Mức hỗ trợ có thể gồm một phần tài chính để đổi phương tiện hoặc trợ cấp chi phí đi lại nếu người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
"Cần vận động các hãng xe điện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, khuyến khích giảm giá xe điện. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể miễn thuế trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hỗ trợ lãi suất trả góp cho người dân khi mua xe điện", ông Thanh nói.
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia bày tỏ sự quan tâm về trạm sạc, nguồn điện cung cấp khi người dân đã chuyển đổi sang loại phương tiện mới.
Các chủ xe chủ yếu sạc xe tại nhà, bài toán đặt ra là cần phải có giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và giải quyết được vấn đề quá tải nguồn điện, nhất là tại các khu vực chung cư.
"Ngành điện phải nghiên cứu ngay số lượng nhu cầu các xe máy chạy bằng xăng chuyển sang điện thì vấn đề cung cấp điện thế nào? Nguồn cung thiếu hay đủ và tốc độ cấp tải điện về cơ sở sử dụng điện, đường dây ra sao? Hay tổ chức cấp điện tại các trạm sạc, trạm sạc được bố trí đặt ở đâu, khu tập trung hay gia đình, cơ quan?" TS Tạo đặt vấn đề.
Tuyến đường Vành đai 1. (Ảnh: Google Maps)
Theo quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 1 sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của Thủ đô.
Các tuyến đường, phố này gồm: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.
Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ). Vành đai này cũng là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội với tổng chiều dài 7,2km.
Anh Văn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cam-xe-may-xang-vao-vanh-dai-1-ha-noi-can-ve-lai-ban-do-di-chuyen-trong-loi-do-thi-ar954145.html