Cần 34 năm để hoàn vốn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Cần 34 năm để hoàn vốn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
một ngày trướcBài gốc
Sáng 13-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, TP; chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541 km.
Cần gần 34 năm để hoàn vốn
Chính phủ đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: QH
Hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch của địa phương; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; tránh các khu vực đông dân cư…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng gần 11.000 ha, số dân tái định cư khoảng gần 121.000 người.
Dự án dự kiến được khởi công năm 2027, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng trên 1,7 triệu tỉ đồng (trên 67 tỉ USD). Dự kiến nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành dự án vào năm 2035.
Về giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết tư vấn xác định trên hai nguyên tắc là người dân có thể chi trả để tiếp cận dịch vụ đi lại bằng đường sắt cao tốc; đảm bảo tính hấp dẫn và cơ cấu thị phần vận tải.
Vé đường sắt cao tốc chia làm ba mức giá vé. Dự kiến với chặng Hà Nội - TP.HCM vé hạng nhất 7,34 triệu đồng; vé hạng hai là 3,05 triệu đồng; vé hạng ba là 1,83 triệu đồng.
Về hiệu quả tài chính, tính toán sơ bộ cho thấy trong 4 năm đầu khai thác, Nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, tương tự như hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay. Số năm hoàn vốn khoảng 34 năm.
Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn
Thẩm tra về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án.
“Thực tế thời gian qua, việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính, phải điều chỉnh hợp đồng dự án” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng dẫn báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: QH
“Đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói thêm.
Về nguồn vốn, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Trong khi đây là nội dung quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, phụ lục kèm theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy sau thời gian dự kiến hoàn thành của dự án, từ năm 2036 đến năm 2066, chi phí vận hành và bảo trì hằng năm đều ở mức trên 25.000 tỉ đồng và chưa rõ phương án chi trả.
“Để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho dự án...” - cơ quan thẩm tra đề nghị.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước trong trung hạn và dài hạn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về hạn mức chỉ tiêu an toàn nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Đánh giá việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết, dù vậy, Ủy ban Kinh tế vẫn đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực. Đồng thời, báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/can-34-nam-de-hoan-von-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post819571.html