Cần áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm nghiệm, công bố sản phẩm hóa chất, nước giải khát, bia

Cần áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm nghiệm, công bố sản phẩm hóa chất, nước giải khát, bia
8 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên họp sáng 17/5- Ảnh: Quang Vinh
ĐB Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng hàng hóa. Bài học từ vụ gần 600 sản phẩm sữa giả vừa qua mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn trước khi lưu hành, nhưng sau đó người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu. Còn cơ quan Nhà nước không kiểm định đầy đủ, người tiêu dùng yên tâm rằng sản phẩm đã có công bố tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ.
Do đó bà Hà kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần sửa theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng quản lý hệ thống chất lượng và nguyên tắc hậu kiểm tương ứng với từng nhóm sản phẩm hàng hóa theo mức độ rủi ro, hoặc giao Chính phủ quy định rõ ràng để thống nhất giữa các bộ ngành trong việc quản lý các mặt hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa rủi ro trung bình, rủi ro cao.
ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh). Ảnh: Quang Vinh.
“Xây dựng Luật này cần đổi mới tư duy theo tinh thần vì người dân, vì doanh nghiệp. Tăng cường hậu kiểm đi kèm và tăng cường nguồn lực kinh phí cho công tác này, áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp, tập trung vào những mặt hàng rủi ro cao, áp dụng tần suất kiểm tra phù hợp dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Có như vậy mới thực sự là xu thế quản lý hiện đại và thực sự là cải cách”, bà Hà nói.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), cần xem xét cụ thể hàng hóa nào bắt buộc phải kiểm nghiệm theo chất lượng, công nghệ. Hàng hóa nào kiểm nghiệm đơn giản hơn, tránh hao tốn cho doanh nghiệp. Nếu nhìn vào sản phẩm mà không biết có chất lượng hay không thì phải có sự kiểm nghiệm và công bố để cho người dân biết, nhất là doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải trình, công bố, ví dụ như các sản phẩm như hóa chất, nước giải khát, bia là các loại sản phẩm phải áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm nghiệm và công bố.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quang Vinh.
Ông Hòa cũng cho rằng, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thời gian qua các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt, tuy nhiên còn tồn tại có sản phẩm hàng hóa mà dư luận cả nước rất quan tâm về chất lượng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bây giờ đổi mới tư duy không tiền kiểm mà hậu kiểm nhưng tiền kiểm không kiểm được còn hậu kiểm lại lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm nên dẫn đến một số sản phẩm trong thời gian qua người tiêu dùng sử dụng nhầm hàng kém chất lượng mà cứ tưởng là hàng có chất lượng. Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa như các Bộ: Công thương; Khoa học công nghệ; y tế phải chịu trách nhiệm về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.
“Sự việc bắt giữ nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm là việc cả nước hoan nghênh đồng tình, nhưng bắt như vậy là trễ. Do đó việc xử lý nghiêm trong hậu kiểm sản phẩm hàng hóa là cần thiết, để làm sao lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong tổ chức thực hiện để người tiêu dùng biết mình tiêu xài, tiêu dùng sản phẩm do mình bỏ tiền ra rất xứng đáng và đảm bảo sức khỏe”, ông Hòa nói.
Còn ĐB Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) nói rằng, dự thảo Luật phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ kiểm soát hành vi sang kiểm soát hiệu quả, cuối cùng trung tâm là phục vụ người dân và doanh nghiệp, phấn đấu trong 2-3 năm tới phải giảm 30% thủ tục hành chính, 30% điều kiện kinh doanh, 30% chi phí sản xuất đưa Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN về điều kiện kinh doanh, triển khai mạnh mẽ chủ trương xã hội nhằm khơi dậy sức dân, trong đó đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau). Ảnh: Quang Vinh.
“Phân loại hàng hóa theo mức độ rủi ro là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa an toàn phù hợp, nhà nước đưa ra các chế độ kiểm tra, tần suất kiểm tra, chủ yếu trong hậu kiểm là cần thiết”, ông Thanh nói và cho rằng, dự thảo Luật lại quá tập trung ở khâu tiền kiểm bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm là không phù hợp và xem nhẹ các biện pháp hậu kiểm. Do đó cần xem lại vì hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của nhà nước để các sản phẩm chất lượng và an toàn sản phẩm được lưu hành. Nhất là bài học về những lùm xùm về sữa giả, thực phẩm chức năng giả trong thời gian vừa qua.
ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nhìn nhận, các vụ thực phẩm chức năng giả được các cơ quan chức năng phát hiện ra càng đánh lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm liên quan đến chất lượng, nguồn gốc hàng hóa sản phẩm sử dụng hàng ngày trong thời gian dài trên tất cả các nơi trên thị trường.
Do đó bà Thu kiến nghị, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là bắt buộc ví như các sản phẩm đặc biệt như thực phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch để kiểm soát chất lượng. Đối với sản phẩm hàng hóa: sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm sức khỏe mặc dù đã có khá nhiều các quy định quản lý tuy nhiên vẫn xảy ra sự việc một số doanh nghiệp sản xuất thuốc giả, sữa giả, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện gây bức xúc lo lắng cho người dân. Đó chính là do quy định doanh nghiệp được tự công bố, thậm chí một số sản phẩm bổ sung và sản phẩm thông thường không cần chờ phê duyệt trước khi lưu hành, không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm xác nhận trước khi đưa ra thị trường là một chính sách nhằm tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng bộc lộ nhiều lỗ hổng cho công tác sức khỏe cộng đồng và công tác quản lý Nhà nước.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/can-ap-dung-cong-nghe-tien-tien-de-kiem-nghiem-cong-bo-san-pham-hoa-chat-nuoc-giai-khat-bia-10306018.html