Cân nhắc quy trình, thủ tục bầu cử phù hợp với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa
Sửa đổi các quy định liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử là một nội dung quan trọng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo Tờ trình dự án Luật, dự kiến quy định từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày (Luật hiện hành đang quy định là 70 ngày).
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Đối với khoảng thời gian kể từ sau ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XVI/Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026 - 2031, dự thảo Luật điều chỉnh thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội; thời gian tiếp nhận khiếu nại về kết quả bầu cử; thời gian xem xét giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử…
Theo Tờ trình dự án Luật, sau khi thực hiện đủ các bước nêu trên, thời gian khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XVI sớm nhất có thể là 22 ngày sau ngày bầu cử. Với các quy định mới này, khoảng cách thời gian ngắn nhất từ hạn cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới dự kiến rút ngắn được khoảng gần 40 ngày.
ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, việc quy định ngay trong luật về các mốc thời gian cụ thể của các bước đồng bộ từ trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau trong quy trình bầu cử là cần thiết để bảo đảm tính pháp lý cao nhất, ổn định, rõ ràng. Qua đó tạo thuận lợi cũng như yêu cầu các cơ quan liên quan phải tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bầu cử một cách đồng bộ, thống nhất. Điều này cũng thuận lợi cho quá trình cử tri tham gia giám sát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương sắp tới sẽ có sự thay đổi rất lớn, ngay cả bộ máy tham gia phục vụ bầu cử cũng có thể thay đổi nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ lưỡng hơn đối với từng mốc thời gian cụ thể để bảo đảm tính khả thi, cân bằng giữa việc rút ngắn thời gian và chất lượng, tính dân chủ của quy trình.
Đối với những công đoạn liên quan đến quyền dân chủ, quyền của công dân, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị giữ nguyên thời gian hợp lý, những bước mang tính thủ tục hành chính có thể rút ngắn. Đồng thời, có những biện pháp, giải pháp để bảo đảm tính khả thi, tránh tăng áp lực công việc lên các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Cần chú trọng công tác tổ chức bầu cử, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn theo sát quá trình triển khai ở địa phương.
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Ủng hộ tinh thần cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục bầu cử, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Ban Soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với vùng sâu, vùng xa và các tỉnh miền núi; bởi, quá trình hiệp thương lựa chọn lấy ý kiến ứng cử viên tại địa phương thường phụ thuộc rất nhiều vào lịch trình hội họp và quá trình kiện toàn tổ chức ở địa phương… Các vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi có địa bàn xa và rộng, di chuyển khó khăn nên cần phải cân nhắc để bảo đảm về mặt thời gian.
Tương tự, theo đại biểu, các mốc thời gian quy định theo hướng giảm số ngày liên quan đến quy trình thủ tục bầu cử khác được quy định tại Điều 1 dự thảo Luật cũng phải cân nhắc để bảo đảm đối với vùng sâu, vùng xa, các địa bàn cách trở khó khăn về điều kiện đi lại khoảng cách địa lý.
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải khẳng định, việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình bầu cử là một yêu cầu chính trị đặt ra trong sửa đổi Luật lần này nhằm rút ngắn khoảng thời gian từ khi bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc đến khi khai mạc Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để kịp thời kiện toàn nhân sự nhà nước, nhân sự của địa phương, sớm triển khai đưa nghị quyết của Đại hội đảng bộ các cấp đi vào thực tiễn.
Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nêu rõ, trong các khoảng thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử thì khoảng thời gian kể từ ngày công bố kết quả đến ngày nộp hồ sơ hầu như không thay đổi, chỉ rút ngắn khoảng thời gian từ ngày nộp hồ sơ đến ngày bầu cử và ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp thứ Nhất. “Quy định về thời hạn nộp hồ sơ là hạn cuối cùng, còn có thể nộp trước. Khoảng thời gian từ ngày bầu cử tới ngày dự kiến khai mạc Kỳ họp thứ Nhất đang dự kiến sửa để tạo được cơ hội sớm nhất, sau 22 ngày, là có thể tổ chức được Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Hiện đại hóa quá trình bầu cử
Tại dự thảo Luật cũng sửa đổi nội dung Điều 65 và bổ sung 1 khoản vào Điều 66 để các hình thức vận động bầu cử được quy định đa dạng hơn, như hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến… Các đại biểu cho rằng, việc mở rộng hình thức, tăng cường sự tương tác giữa người ứng cử và cử tri, kịp thời ứng phó nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tình huống đột xuất trong thời gian tổ chức bầu cử là một điểm tiến bộ, giúp hiện đại hóa quá trình bầu cử.
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Việc mở rộng hình thức tổ chức trực tuyến là tích cực, nhưng hiện nay chưa có quy định kỹ thuật nào bảo đảm an toàn về thông tin xác thực người tham gia và ghi nhận ý kiến cử tri hoặc lưu trữ kết quả hợp lệ; do đó, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị, bổ sung vào khoản 3 “Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm ban hành quy định kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin, xác nhận danh tính và lưu trữ nội dung hội nghị, tiếp xúc cử tri tổ chức theo hình thức trực tuyến và giao cho Chính phủ hoặc Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn hệ thống lưu trữ và kiểm tra tính hợp lệ”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định tại dự thảo Luật về các trường hợp được mở rộng hình thức, tăng cường sự tương tác giữa người ứng cử và cử tri trong thời gian bầu cử là phù hợp, không nên áp dụng phổ biến hình thức vận động bầu cử trực tuyến. Bởi, theo đại biểu, trong các lần tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, đặc biệt những đại biểu tham gia ứng cử, giới thiệu lần đầu phải đến trực tiếp nơi mình tham gia ứng cử để giới thiệu về mình; cử tri cũng muốn biết mặt đại biểu đó như thế nào.
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, thực tế tiếp xúc cử tri trước, trong và sau nhiều kỳ họp của Quốc hội cho thấy, việc tiếp xúc cử tri trực tuyến sẽ tăng được tương tác của đại biểu với các cử tri, có thể cùng một lúc tiếp xúc được với hàng nghìn cử tri. “Việc tiếp xúc cử tri vẫn tiếp tục thực hiện. Vận động và tiếp xúc cử tri trực tuyến là một hình thức mới, qua dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy rất phù hợp, không ảnh hưởng gì tới việc tiếp xúc trực tiếp”, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Thanh Hải