Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 29/5 Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền Thủ tướng trình chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Đây là dự án quan trọng quốc gia, pham vi được Chính phủ đề xuất là điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.
Dự án đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, tiêu chuẩn kỹ thuật: đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế 100 km/h, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2029.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; Ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030.
Đồng thời, Chính phủ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt: “Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công”.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nêu rõ, theo Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công và Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu đã xác định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: “Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.
Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2026 - 2030 có rất nhiều dự án lớn đồng thời được triển khai cũng được đề xuất sử dụng các nguồn vốn trên (Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…)
Vì thế, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo cân đối tổng thể các nguồn dự kiến phân bổ cho các dự án trong 2 giai đoạn, tránh việc chồng lấn nguồn kinh phí dự kiến và khi triển khai thực hiện không bảo đảm khả năng huy động và chi trả. Đồng thời, cần tuân thủ nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến đề nghị làm rõ hơn suất đầu tư của Dự án và so sánh với các dự án tương tự trong khu vực. Dự án này có suất đầu tư khoảng 300 tỷ đồng/km, Dự án đường bộ cao tốc đoạn Chơ Thành – Gia Nghĩa có suất đầu tư khoảng 200 tỷ/km.
Về hình thức đầu tư Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản tán thành đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công với những lý do đã được phân tích tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, Dự án có hướng tuyến cơ bản song song với Quốc lộ 19 mới hoàn thành nâng cấp, sửa chữa năm 2025, trong đó có khoảng 56 km theo hình thức hợp đồng BOT đang triển khai thu phí (thời hạn thu phí đến năm 2040). Do vậy, Dự án sau khi hoàn thành đưa vào vận hành khai thác có khả năng sẽ thu hút phần lớn lưu lượng xe của các tuyến đường song hành, dẫn đến nguy cơ sụt giảm doanh thu thu phí của dự án BOT hiện hữu trên Quốc lộ 19.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung đánh giá kỹ tác động của Dự án tới tuyến đường liên quan và đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với dự án giao thông BOT song hành trong trường hợp bị sụt giảm doanh thu, phương án tài chính.
Nguyễn Lê