Theo WHO, cứ 8 người trên thế giới thì có một người đang phải chịu đựng một vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó. Ngày nay, các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và buồn bã... đã trở nên phổ biến hơn và việc tìm ra những cách đơn giản để làm giảm các tình trạng này là điều cần thiết. Tạo thói quen đi bộ hàng ngày có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe tâm thần, mang lại những lợi ích vượt xa sức khỏe thể chất.
1. Sức mạnh của chuyển động đối với sức khỏe tâm thần
Khi nói đến sức khỏe tinh thần, hoạt động thể chất là một trong những biện pháp tự nhiên hiệu quả nhất để cải thiện. Tập thể dục thường xuyên, thậm chí chỉ đơn giản như đi bộ nửa giờ mỗi ngày, giúp kích hoạt giải phóng endorphin trong não.
Endorphin được gọi là "hormon hạnh phúc’’ của cơ thể, giúp nâng cao tâm trạng và giảm căng thẳng. Chúng được ví là chất tự nhiên tương đương với các loại thuốc thường được kê đơn để điều trị chứng trầm cảm và lo âu nhưng không có tác dụng phụ.
Đi bộ có thể giúp giảm lo âu, trầm cảm…
Hoạt động thể chất kích thích sản xuất các chất hóa học khác trong não như serotonin, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và sự thèm ăn. Mức serotonin thấp có liên quan đến cảm giác buồn bã, lo lắng và trầm cảm và việc tăng mức serotonin có thể mang lại sự giải tỏa đáng kể khỏi những tình trạng này.
2. Đi bộ giúp giảm căng thẳng và lo âu như thế nào
Đi bộ mang lại hiệu ứng làm dịu tâm trí. Khi cơ thể chuyển động, nó tự nhiên thúc đẩy cảm giác thư giãn. Đối với nhiều người, đi bộ ngoài trời mang lại thời gian yên bình để thanh lọc tâm trí, tránh xa những căng thẳng hàng ngày hoặc những thách thức về mặt cảm xúc. Sự nghỉ ngơi về mặt tinh thần này có thể cực kỳ có tác dụng trị liệu, đặc biệt là đối với những người đang trải qua mức độ lo lắng cao.
Đi bộ kích thích dây thần kinh phế vị, chịu trách nhiệm điều chỉnh hệ thần kinh phó giao cảm (phản ứng "nghỉ ngơi và tiêu hóa"). Sự kích hoạt này giúp giảm phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của cơ thể, do đó làm giảm mức độ lo lắng, giúp tâm trí và cơ thể cảm thấy cân bằng, thoải mái hơn.
3. Đi bộ 30 phút như một hình thức thiền định
Đi bộ hàng ngày, đặc biệt là trong bối cảnh thiên nhiên như công viên hoặc dọc theo một con đường mòn yên tĩnh, mang đến cơ hội tuyệt vời để chánh niệm; mang đến khoảnh khắc để ngắt kết nối khỏi những suy nghĩ choáng ngợp và tập trung hoàn toàn vào hiện tại- nhịp điệu đi bộ, âm thanh của thiên nhiên và cảm giác của không khí.
Hoạt động đơn giản này có thể giúp chống lại những suy nghĩ thường đi kèm với chứng trầm cảm và buồn bã. Bằng cách tập trung vào từng bước chân, hít thở sâu và vào cảnh vật xung quanh, mọi người có thể chuyển sự chú ý của mình khỏi những cảm xúc tiêu cực, tạo ra một không gian tinh thần yên bình.
4. Tác động tích cực của hoạt động thể chất thường xuyên đến giấc ngủ
Đi bộ với bạn bè, gia đình hoặc thậm chí là trong một nhóm sẽ mang đến cơ hội kết nối…
Sức khỏe tinh thần có liên quan chặt chẽ đến chất lượng giấc ngủ. Những người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo âu phải đối mặt với tình trạng rối loạn giấc ngủ, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ. Đi bộ thường xuyên giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách điều chỉnh nhịp sinh học, khuyến khích cơ thể dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
Đi bộ ngoài trời giúp cơ thể tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, điều này khá quan trọng để duy trì chu kỳ ngủ-thức lành mạnh. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày giúp cơ thể sản xuất melatonin, một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ ngon, tạo ra một vòng phản hồi tích cực: Khi giấc ngủ được cải thiện, tâm trạng và sự minh mẫn về tinh thần cũng được cải thiện.
5. Đi bộ như một hoạt động xã hội để hỗ trợ về mặt cảm xúc
Một lợi ích khác của việc đi bộ là cơ hội kết nối xã hội. Đi bộ 30 phút không nhất thiết phải là hoạt động đơn độc. Đi bộ với bạn bè, gia đình hoặc thậm chí là trong một nhóm sẽ mang đến cơ hội kết nối và chia sẻ kinh nghiệm.
Hỗ trợ xã hội rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và đi bộ cùng nhau có thể là cách để chia sẻ cảm xúc hoặc đơn giản là tận hưởng sự đồng hành của nhau.
Ngay cả với những người thích đi bộ một mình, chỉ cần ra ngoài thế giới, hòa mình vào cộng đồng hoặc thiên nhiên cũng có thể nuôi dưỡng cảm giác được gắn kết và giảm cảm giác cô lập thường đi kèm với chứng trầm cảm...
Ngọc Bích