Căn bệnh gây tử vong nhiều hơn cả ung thư

Căn bệnh gây tử vong nhiều hơn cả ung thư
12 giờ trướcBài gốc
Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Ảnh: Shutterstock.
Theo thống kê của Liên đoàn Tim mạch thế giới, bệnh tim mạch khiến nhiều người tử vong hơn bất kỳ căn bệnh nào khác với hơn 20,5 triệu người mỗi năm.
Trong số đó, 85% là do bệnh mạch vành (như đau tim) và bệnh mạch máu não (như đột quỵ). Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi đó, ung thư gây ra cái chết cho gần 20 triệu người, theo thống kê GLOBOCAN của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế năm 2023.
Trước đó, phát biểu tại chương trình CAREME - Yêu lấy mình - Khám sàng lọc bệnh lý tim mạch, bệnh thận, chuyển hóa tại cộng đồng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú, nhấn mạnh xu hướng tử vong do bệnh tim mạch tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Tử vong do tim mạch cao hơn cả tử vong do ung thư, tắc nghẽn phổi mạn tính và đái tháo đường cộng lại.
Nguyên nhân chính
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất ở nước ta hiện nay.
Những bệnh lý này gây nên những gánh nặng về sức khỏe, chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị cho người bệnh cũng như người chăm sóc.
Lý giải tình trạng bệnh lý tim mạch có xu hướng ngày một gia tăng và trẻ hóa, GS.TS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Y Dược TP.HCM, cho biết Việt Nam là nước đang phát triển, lối sống ngày càng hướng theo nước phát triển và hiện đại.
Chính lối sống không lành mạnh có thể là yếu tố nguy cơ lớn, quan trọng, tạo ra những bệnh lý tim mạch. Bệnh lý này làm tăng nguy cơ tử vong cho người dân.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.
Nhóm thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính, yếu tố di truyền...
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, hoạt động của tim càng kém hiệu quả do thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến cho quá trình bơm máu trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, nguy cơ tim mạch cũng cao hơn ở nam giới. Sau 65 tuổi, tỷ lệ này ở 2 giới là như nhau.
Ngoài ra, những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc các yếu tố rủi ro như cao huyết áp, đái tháo đường và béo phì, cũng dễ bị bệnh tim mạch hơn.
Nhóm gây bệnh tim mạch thứ hai là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như thói quen sinh hoạt, vận động…
Những người lười vận động hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người thường xuyên tập thể dục. Việc hoạt động và tập luyện sẽ đốt cháy calo, giúp kiểm soát cân nặng, mức cholesterol và bệnh tiểu đường đồng thời có thể hạ huyết áp. Tập thể dục cũng tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm cho các động mạch linh hoạt hơn.
Vận động thường xuyên là cách đơn giản giúp mọi người rèn luyện thể chất, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như các rủi ro liên quan. Ảnh: Pexels.
Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá cũng làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn, tích tụ mảng bám trong động mạch, khiến nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... Từ đó, hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã có sẵn chứng huyết áp cao.
Thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa cũng làm gia tăng lượng cholesterol “xấu” (LDL), tạo ra những mảng bám trên thành động mạch và bắt đầu quá trình xơ vữa động mạch. Khi các mảng bám tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim, nguy cơ đau tim sẽ tăng cao.
Ngoài ra, những người có bệnh nền như cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường cũng cần kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe để tránh dẫn tới nguy cơ đau tim và đột quỵ.
10 nguyên tắc giảm bệnh tim mạch
Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF), để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, mọi người cần nhận diện nguy cơ tim mạch của chính mình và biết cách kiểm soát chúng.
Sau đây là 10 lời khuyên của WHF để bảo vệ trái tim:
- Thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
- Tập thể dục thường xuyên: Mỗi ngày tập 30-60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch.
- Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, Shisha). Đây là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu thừa cân, mọi người cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
- Khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, Triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
- Hạn chế uống rượu, bia.
-. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng.
- Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
- Tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.
- Tránh căng thẳng, lo âu quá mức.
Linh Thùy
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/can-benh-gay-tu-vong-nhieu-hon-ca-ung-thu-post1501099.html