Thời gian gần đây, Bộ Nội vụ nhận được nhiều câu hỏi từ cán bộ, công chức, người lao động tại các địa phương gửi về xoay quanh các nội dung như chế độ nghỉ việc theo Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong đó, nhiều trường hợp phát sinh từ thực tiễn, nhất là sau ngày 1-7 khi cả nước chính thức vận hành bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ông Hướng Văn Sỹ nêu câu hỏi: “Cán bộ, công chức nghỉ sau ngày 1-7 có được hưởng theo chế độ Nghị định 178/2024 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025) không)?
Về nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay theo Nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025) thì không có quy định nghỉ sau ngày 1-7 thì không được xem xét, giải quyết. Do đó, ông Sỹ cần liên hệ với cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành, địa phương để được hướng dẫn, trả lời.
Cán bộ, công chức ở TP.HCM đang hỗ trợ người dân làm thủ tục. Ảnh: THANH TUYỀN
Bạn đọc Nguyễn Mai nêu câu hỏi cán bộ được bố trí sau 1-7, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập chính quyền địa phương 2 cấp nhưng có nguyện vọng thôi việc có được giải quyết theo chế độ 178 không?
Theo Bộ Nội vụ, tại Nghị định 178/2024 đã quy định rõ về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, cách xác định thời gian để tính hưởng chính sách thôi việc. Bộ Nội vụ đề nghị bà Mai kiến nghị với người đứng đầu cơ quan nơi công tác và cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương để được hướng dẫn, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền.
Anh Võ Thanh Bình thì nêu vấn đề với những cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực cơ yếu sẽ được hưởng nhiều khoản phụ cấp như thâm niên, ưu đãi nghề, trách nhiệm theo nghề, phụ cấp công vụ… Tuy nhiên, khi làm thủ tục nghỉ theo Nghị định 178, anh không rõ loại phụ cấp nào sẽ được tính vào tiền lương để xác định chế độ.
Bộ Nội vụ thông tin tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 178/2024 đã quy định tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ bao gồm cả các khoản phụ cấp.
Gồm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp công vụ, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp đảng đoàn thể chính trị - xã hội và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang.
Theo đó, các khoản phụ cấp khác (ngoài các phụ cấp nêu trên) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định 178/2024.
Bộ Nội vụ cũng cho biết thêm là hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã rà soát và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ở một góc độ khác, anh Nguyễn Minh Luân cho biết anh làm tài xế tại UBND tỉnh được 13 năm. Tuy nhiên, vợ phải đi làm xa cách nhà 40 km, con nhỏ phải thuê người trông. Do vậy, khi sắp xếp lại đơn vị cấp tỉnh, cơ quan điều anh sang nơi làm việc cách nhà 130 km, anh đã làm đơn nghỉ theo Nghị định 178 để có thời gian chăm sóc gia đình.
“Tôi thấy theo Nghị định 178 thì cán bộ, công chức, người lao động có nhu cầu nghỉ thôi việc sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, địa phương nơi tôi đang công tác thì lại nói chỉ áp dụng với những người dưới 10 năm thì mới được nghỉ hưu” – anh Luân băn khoăn.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cho hay căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 178/2024, anh Luân thuộc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 17, Điều 19 Nghị định này thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với anh Luân do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức triển khai thực hiện và UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
“Vì vậy, anh Luân cần gửi kiến nghị đến cơ quan thẩm quyền của địa phương để được hướng dẫn giải quyết” – theo Bộ Nội vụ.
Qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan trung ương và địa phương, tính đến ngày 30-6, có 57.158 người thuộc diện sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó 43.207 người đã nghỉ việc, bao gồm nghỉ hưu và thôi việc.
Đáng chú ý, có 25.611 người đã nhận tiền (đạt tỉ lệ trên 62%), với tổng số tiền gần 27.000 tỉ đồng. Con số nói trên không bao gồm lực lượng công an và quân đội.
Bộ Nội vụ cho hay sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp, hướng dẫn theo thẩm quyền việc thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định 178/2024.
*****
Theo Văn bản 4177 ngày 23-6-2025 của Bộ Nội vụ, cơ quan này chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xem xét, giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Nghị định 178, Nghị định 67 cần tập trung giải quyết chính sách đối với 4 đối tượng. Cụ thể:
- Những người còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu.
- Những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
- Những người không đáp ứng về trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm.
- Trường hợp sức khỏe không đảm bảo nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ...
Bộ Nội vụ cũng lưu ý cần quan tâm giữ chân những cán bộ, công chức, viên chức còn từ 10 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu có năng lực công tác, có nhiều thành tích, cống hiến cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
N.THẢO - Đ.MINH