Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, hàng loạt cán bộ, công chức từ tỉnh Kon Tum (cũ) đã được phân công công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với hành lý, họ còn mang theo trách nhiệm, niềm tin và quyết tâm góp sức xây dựng quê hương mới.
Bắt đầu hành trình bằng tình người
Từ đầu tháng 7, chị Y Việt Sa (nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum) nhận quyết định chuyển về công tác tại Tỉnh đoàn Quảng Ngãi (thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh). Xa gia đình, con cái gần 200 km, chị Sa một mình đến vùng đất mới với nhiều bỡ ngỡ.
Chị Y Việt Sa (áo đen) cùng đồng nghiệp.
Trước ngày nhận nhiệm vụ, chị đăng lên mạng xã hội dòng tin nhờ giới thiệu chỗ ở phù hợp. “Không ngờ, chỉ sau ít giờ, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn hỏi thăm, hỗ trợ từ những người chưa từng quen biết” - chị Sa chia sẻ. Sự chân thành, tận tình của người dân và đồng nghiệp nơi đây đã giúp chị vững tin hơn trên hành trình mới.
“Ban đầu, tôi rất lo lắng, nhưng rồi nhận được nhiều lời động viên, hướng dẫn chỗ ăn uống, thuê nhà, đi chợ... Tôi thật sự xúc động" - chị Sa nói.
Cùng hoàn cảnh, Thượng úy Mộng Hoài Nhung, cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ngãi) từng công tác tại nhiều vùng sâu vùng xa ở Kon Tum. Nay, chị Nhung cùng chồng và con gái mới 10 tháng tuổi chuyển đến Quảng Ngãi, cũng không tránh khỏi những băn khoăn.
Nhiều cán bộ Kon Tum về Quảng Ngãi công tác sau sáp nhập tỉnh nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan, đồng nghiệp và người dân.
“Điều tôi lo lắng nhất là tìm được chỗ ở thoáng đãng cho con nhỏ có chỗ chơi. Nhưng thật bất ngờ, các đồng nghiệp ở Công an tỉnh Quảng Ngãi đã giúp tìm nhà, quay video, kết nối với chủ trọ. Nhờ vậy, chúng tôi sớm ổn định nơi ở như mong muốn” - chị Nhung kể.
Người dân sẵn lòng sẻ chia
Không chỉ có sự đồng hành từ cơ quan, rất nhiều người dân Quảng Ngãi cũng chủ động dang tay đón những người từ nơi khác đến. Đầu tháng 7, chị Ngô Thị Na (44 tuổi, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) đăng bài trên Facebook: “Bạn bè Kon Tum về công tác tại Quảng Ngãi, ai chưa có chỗ ở, ghé nhà mình nhé. Không lấy tiền”.
Gia đình chị Na sẵn sàng mời cán bộ Kon Tum về Quảng Ngãi công tác đến nhà ở miễn phí khi chưa có chỗ ở.
Ngôi nhà chị Na mới xây xong, nằm gần nhà cha mẹ chồng, đầy đủ tiện nghi. Biết có nhiều cán bộ còn loay hoay tìm nơi ở, vợ chồng chị quyết định chia sẻ. “Vì cả hai vợ chồng từng công tác ở Măng Đen (Kon Tum), nên rất hiểu cảm giác xa nhà. Mong mọi người sớm hòa nhập, làm việc hiệu quả” - chị Na nói.
Không riêng gì chị Na, nhiều người khác cũng chia sẻ thông tin: “Nhà nhỏ gần núi Thiên Ấn, ai cần phòng ở miễn phí thì liên hệ”. Những lời mộc mạc nhưng nghĩa tình ấy đã giúp không ít người vơi đi lo lắng trong ngày đầu thay đổi môi trường sống.
Một hộ dân sửa soạn lại nhà cửa để cho một gia đình cán bộ Kon Tum chuyển về Quảng Ngãi làm việc ở miễn phí.
Anh Vũ Đình Dương xúc động nói: “Chúng tôi không ngờ lại nhận được quá nhiều sự chân tình từ những người dân địa phương chưa kịp quen biết. Chính điều đó khiến tôi hiểu rằng, vùng trời nào cũng là Tổ quốc”.
Sẵn sàng đón đồng đội
Tại Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, khoảng 20 cán bộ từ Kon Tum đã được tiếp nhận và bố trí công tác. Từ trước khi sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã chủ động kết nối, lên phương án hỗ trợ tối đa cho các cán bộ mới.
Một địa điểm xây dựng nơi ở cho cán bộ Kon Tum chuyển về Quảng Ngãi.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Đăng Minh cho biết: “Khi anh em xuống nhận công tác, mọi thứ gần như đã ổn định, từ nơi ở đến bàn làm việc, thiết bị văn phòng. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các đồng chí sớm ổn định cuộc sống, bắt nhịp với công việc”.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 4 địa điểm làm nhà ở công vụ gồm: Nhà khách A3 Tỉnh ủy, Nhà khách T50, Ký túc xá Trường Chính trị tỉnh và Ký túc xá Trường THPT chuyên Lê Khiết.
Các đơn vị liên quan đang khẩn trương sửa chữa, cải tạo, lắp đặt đầy đủ tiện nghi để các cán bộ, công chức từ Kon Tum sớm ổn định cuộc sống.
NGUYỄN YÊN