Tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập: Liên kết du lịch từ đại ngàn xuống biển khơi

Tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập: Liên kết du lịch từ đại ngàn xuống biển khơi
9 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 1-7-2025, tỉnh Quảng Ngãi mới chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập tỉnh Kon Tum vào tỉnh Quảng Ngãi cũ. Với vị trí địa lý đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp chiều sâu văn hóa dân tộc, Quảng Ngãi mới đang có cơ hội bứt phá mạnh mẽ nếu tận dụng tốt các lợi thế sẵn có.
Măng Đen và Lý Sơn: Hai cực du lịch liên kết
Trong bản đồ phát triển mới, Quảng Ngãi nổi bật với hai trung tâm du lịch có vị thế khác biệt nhưng có tính bổ trợ lẫn nhau: Măng Đen ở phía tây và Lý Sơn ở phía đông.
Măng Đen – khu vực cao nguyên trung tâm, từ lâu đã được ví như “Đà Lạt thứ hai” với khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái rừng phong phú và văn hóa cồng chiêng đặc trưng. Việc quy hoạch mở rộng kết cấu hạ tầng, nhất là sân bay Măng Đen, đang mở ra cơ hội đưa khu vực này trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trọng điểm của vùng Tây Nguyên.
Măng Đen là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.
Trong khi đó, Lý Sơn – nay là đặc khu hành chính, tiếp tục được xác định là đầu mối chiến lược trong chuỗi du lịch biển đảo. Với địa hình núi lửa độc đáo, hệ sinh thái biển phong phú, cùng các di sản văn hóa như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự…, đảo Lý Sơn là điểm đến quan trọng để phát triển du lịch biển gắn với chủ quyền và văn hóa biển đảo.
Các tour du lịch trải nghiệm như trồng tỏi, thăm Hang Câu, Cổng Tò Vò hay khám phá trầm tích núi lửa… đang được triển khai rộng rãi, thu hút khách trong và ngoài nước. Lý Sơn hiện là một trong những điểm đến tăng trưởng nhanh nhất khu vực duyên hải miền Trung.
Đảo Lý Sơn có lợi thế phát triển du lịch biển đảo.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng: “Phát triển du lịch phải gắn với nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và giá trị bản địa. Quảng Ngãi mới có tiềm năng phát triển toàn diện nhờ vào sự đa dạng sinh thái, văn hóa và con người. Đây là thời điểm để lan tỏa hình ảnh một Quảng Ngãi thân thiện, bản sắc và bền vững”.
Hạ tầng kết nối, đòn bẩy phát triển liên vùng
Sau sáp nhập, Quảng Ngãi có điều kiện để phát triển các tuyến du lịch liên vùng, từ núi về biển chỉ trong vài giờ di chuyển. Theo quy hoạch, các tuyến quốc lộ như QL24, QL24B và các tuyến kết nối nội tỉnh sẽ được nâng cấp đồng bộ. Từ sân bay Chu Lai, cảng nước sâu Dung Quất, đến sân bay Măng Đen (đang được đề xuất đầu tư), hệ thống hạ tầng này sẽ giúp hình thành các tour khép kín từ miền núi xuống đồng bằng và ra đảo.
Lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn.
Không chỉ dựa vào cảnh quan tự nhiên, tỉnh Quảng Ngãi còn sở hữu kho tàng văn hóa đặc sắc từ 43 dân tộc cùng sinh sống. Từ tiếng cồng chiêng Tây Nguyên đến tiếng hát bả trạo của ngư dân miền biển, từ nhà rông đến đình làng, từ sản vật bản địa đến di sản văn hóa phi vật thể… tất cả đang tạo nên một bản sắc riêng, làm nên sức hút đặc biệt cho ngành du lịch.
Thác Pa Sỹ nổi tiếng tại tỉnh Quảng Ngãi mới.
Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa đang được khuyến khích phát triển. Tại Măng Đen, nhiều mô hình homestay của người dân tộc thiểu số đã được xây dựng, khai thác văn hóa bản địa làm trọng tâm. Còn tại các làng ven biển Quảng Ngãi, hoạt động trải nghiệm đánh bắt cá, trồng hành tỏi, làm muối… đang từng bước định hình các sản phẩm du lịch nông nghiệp ven biển.
NGUYỄN YÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tinh-quang-ngai-sau-sap-nhap-lien-ket-du-lich-tu-dai-ngan-xuong-bien-khoi-post858994.html