Cán bộ phường, xã gần dân hơn, vì dân hơn

Cán bộ phường, xã gần dân hơn, vì dân hơn
6 giờ trướcBài gốc
Hơn 17 giờ ngày 4-7, dù đã hết giờ làm việc nhưng cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) phường Tân Bình vẫn miệt mài xử lý hồ sơ của người dân.
"Vừa chạy vừa xếp hàng"
Ông Huỳnh Phước Toàn - chuyên viên Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Tân Bình; được phân công công tác tại Trung tâm PVHCC của phường - nhận xét: "Lượng công việc có tăng bởi hồ sơ từ 2 phường cũ dồn về rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính hiện nay được thực hiện trên các phần mềm nên giải quyết nhanh, kịp thời phục vụ người dân. Người dân cũng thể hiện sự hài lòng khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp bởi không phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi để làm thủ tục như trước đây".
Ông Toàn cho biết với những người chưa thành thạo về công nghệ thì cần kiên nhẫn hướng dẫn. "Có cô chú không nhớ cả mật khẩu VNeID, chúng tôi phải hướng dẫn đăng ký lại từ đầu, hoặc gọi điện về hỏi người thân. Khi thấy các cô chú vui, hài lòng vì hồ sơ đã được giải quyết thì mình cũng vui theo, bởi mình đã nỗ lực, làm việc hết trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ" - ông Toàn bày tỏ.
Ông Trần Quang Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC phường Tân Bình, cho biết trong những ngày đầu tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, lượng người dân đến thực hiện các thủ tục rất lớn. Hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia có nhiều trường thông tin, ít nhiều gây khó khăn cho người dân trong quá trình tự thực hiện các thao tác. Trong những ngày đầu vận hành, dữ liệu cũng chưa được liên thông, đồng bộ nên ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận và xử lý các loại hồ sơ. Đôi khi vào giờ cao điểm, Cổng dịch vụ công quốc gia quá tải.
"Những ngày qua, cán bộ của Trung tâm PVHCC phường làm việc hết công suất để kịp thời giải quyết hồ sơ cho người dân. Anh em thường phải ở lại làm việc đến hơn 18 giờ mới xong các hồ sơ tiếp nhận trực tiếp, sau đó phải xử lý các hồ sơ do người dân nộp trực tuyến. Về lâu dài, cần sớm phân loại các thủ tục làm trực tuyến hoặc trực tiếp, để vừa thuận tiện cho người dân vừa giảm tải áp lực công việc cho cán bộ" - ông Tùng đề xuất.
Linh động giải quyết
Nằm cách xa mặt đường lớn, không khí xung quanh trụ sở Trung tâm PVHCC phường Tân Hòa có phần im ắng hơn so với các trụ sở khác. Khác xa so với bên ngoài, ở bên trong trung tâm, không khí làm việc rất khẩn trương.
Nhận hồ sơ từ cán bộ phường, ông Nguyễn Văn Nam (ngụ phường Tân Hòa) vui vẻ: "Cán bộ ở đây làm việc rất nhiệt tình. Những thủ tục nào tôi không biết đều được họ hướng dẫn rõ ràng, chi tiết. Dù lượng người dân đến làm thủ tục rất đông nhưng không phải đợi quá lâu" - ông Nam nhận xét.
Cán bộ phường Tân Hòa, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: LÊ VĨNH
Bà Phạm Thị Thịnh, cán bộ tại Trung tâm PVHCC phường Tân Hòa, cho biết ở phường cũ khi chưa sáp nhập, trung bình một ngày bà tiếp nhận khoảng 15 - 20 hồ sơ. Còn tại phường Tân Hòa, số lượng hồ sơ bà tiếp nhận gần như tăng gấp đôi. Để kịp tiến độ hồ sơ, hầu như ngày nào bà Thịnh và các đồng nghiệp cũng tăng ca, giải quyết cho xong công việc.
"Phường chỉ mới được thành lập có vài ngày nhưng lượng hồ sơ phải giải quyết rất lớn. Trong những ngày đầu hoạt động chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hạn chế, song cán bộ của phường linh động để xử lý, giải quyết tốt nhất cho người dân" - bà Thịnh thông tin.
Bà Thịnh kể có trường hợp phường phải cấp giấy chứng tử. Tuy nhiên, thời điểm này, phần mềm đăng ký hộ tịch vẫn chưa cho cập nhật dữ liệu. Phường đã linh động giải quyết cho người dân bằng cách cấp bản sao tạm với đầy đủ thông tin, có chữ ký của lãnh đạo phường và con dấu để người dân kịp thời xử lý công việc. "Hôm đó đã là thứ sáu, nếu không linh động giải quyết thì phải sang tuần sau mới có giấy chứng tử, nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc của người dân" - bà Thịnh giải thích.
Liên quan lĩnh vực đất đai, phường Tân Hòa cũng linh động giải quyết cho người dân. Với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, làm lần đầu phải có loại máy in chuyên dụng. Tuy nhiên, trên toàn địa bàn quận Tân Bình (cũ) chỉ có 1 chiếc máy này và đang được đặt tại phường Tân Sơn. Để không làm chậm trễ giấy tờ của người dân, cán bộ phường Tân Hòa đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục và mang sang phường Tân Sơn để in nhờ. Vì nếu đợi đến khi thành phố cấp kinh phí cho phường mua máy in thì sẽ chậm trễ việc của người dân.
Ông Lâm Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, cho biết sau thời gian "vừa chạy vừa xếp hàng" thì đội ngũ lãnh đạo các phường hiện nay rất cần những khóa tập huấn ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, giúp đội ngũ lãnh đạo phường hiện nay vừa học vừa làm, vừa đáp ứng nhiệm vụ.
Để người dân ra về trong sự hài lòng
Sáng thứ bảy, 6-7, người dân tranh thủ đến Trung tâm PVHCC xã Tân Vĩnh Lộc từ sớm để đăng ký làm các thủ tục hành chính. Ông Phạm Quang Tiến Dũng, cán bộ làm việc tại đây, cho biết dù công việc nhiều, người dân đến đông nhưng không xảy ra tình trạng mất trật tự.
"Lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng làm nhiều rồi cũng quen. Mọi người trong đơn vị đều cố gắng đến sớm trước giờ làm việc để chủ động phân chia đầu việc, chuẩn bị tinh thần và nội dung cần xử lý trong ngày. Có những ngày chúng tôi phải nán lại sau giờ hành chính để giải quyết hồ sơ tồn hoặc hỗ trợ người dân đến trễ. Nhưng đổi lại, thấy người dân vui vẻ, hài lòng ra về sau khi hoàn thành thủ tục, bản thân tôi thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng" - ông Dũng thổ lộ.
Bà Lại Thị Loan cùng chồng đến Trung tâm PVHCC xã Tân Vĩnh Lộc để làm lại số nhà cho căn nhà trên mảnh đất gia đình đã ở hơn 18 năm. Sau khi hoàn tất thủ tục chứng thực, bà Loan vui vẻ: "Trước đây tôi ngại đi làm giấy tờ vì đi lại phiền phức, chờ đợi lâu, lại không biết phải hỏi ai. Vợ chồng tôi cũng không rành công nghệ. Nay đến đây, thấy các cô chú hướng dẫn rất rõ ràng, hồ sơ được giải quyết nhanh. Có người còn dắt tôi đến tận bàn làm việc, chỉ dẫn từng bước rất tận tình. Cả in ấn, photo cũng làm tại chỗ, rất tiện".
Người dân được hướng dẫn tận tình khi làm thủ tục hành chính tại xã Tân Vĩnh Lộc. Ảnh: ÁI MY
Ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Lộc, cho biết: "Mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 300-400 hồ sơ. Tuy khối lượng công việc tăng cao nhưng nhờ sự chủ động và điều phối hợp lý, đội ngũ cán bộ đã thích nghi nhanh chóng, duy trì hiệu quả phục vụ. Quan trọng là người dân không còn phải đi qua nhiều cấp trung gian như trước đây".
Xã Tân Vĩnh Lộc đã quán triệt toàn thể cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử với người dân. "Là cán bộ, công chức thì mục tiêu cuối cùng không chỉ là xử lý xong hồ sơ mà còn phải để người dân ra về trong sự hài lòng, vui vẻ - lúc đó mới xem như hoàn thành trách nhiệm" - ông Nhân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Lộc, nhìn nhận: "Giải quyết thủ tục hành chính không chỉ là công việc mà còn là cơ hội để xây dựng niềm tin, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và người dân".
Chuyển đổi số nhưng vẫn phải gần dân
Ông Lâm Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, thông tin những ngày đầu sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dù công việc bộn bề nhưng lãnh đạo phường vẫn dành thời gian để đến thăm, làm việc, động viên cán bộ, công chức cơ sở. "Nếu lãnh đạo không gần gũi, không sâu sát với địa bàn sẽ không thể hiểu và nắm bắt địa bàn tốt" - ông Cường nhìn nhận.
Ngoài ra, lãnh đạo phường Tân Hòa cũng quan tâm, chú trọng đi địa bàn, tiếp xúc với người dân, đội ngũ cán bộ và các chức sắc tôn giáo.
"Chuyển đổi số trong công việc là điều cần thiết. Nhưng ở địa bàn dân cư mà cán bộ không đến, không tiếp xúc với người dân thì những thông tin tiếp nhận sẽ bị nhiễu, đồng thời sẽ không kịp thời giải quyết được những vấn đề bức xúc của bà con. Khi đó, người dân sẽ mất niềm tin vào chính quyền" - ông Cường phân tích.
LÊ VĨNH - ÁI MY
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/can-bo-phuong-xa-gan-dan-hon-vi-dan-hon-196250706224421308.htm