2 trường chuyên nổi tiếng và có lịch sử trăm năm
TPHCM (cũ) có 2 trường chuyên là Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩacó lịch sử hình thành từ năm 1874 khi cha Henri De Kerlan – Cha sở coi thánh đường Sài Gòn xuất tiền riêng sáng lập trường Lasan Taberd. Trường vốn là sản nghiệp riêng của hội truyền giáo, có công và thành danh lớn trong việc đào tạo nhân tài thời bấy giờ.
Năm 1975, Trường Lasan Taberd bàn giao cho Sở Giáo dục TPHCM. Năm 1976, Trường Trung học Sư phạm với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp I nhận bàn giao từ Trường Lasan Taberd cũ. 25 năm sau cơ sở vật chất Trường Trung học Sư phạm được bàn giao để thành lập Trường THPT Trần Đại Nghĩa.
Năm 2002, UBND TPHCM cho phép chuyển Trường THPT Trần Đại Nghĩa thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ngoài tuyển các lớp 10 chuyên, trường tuyển sinh lớp 6 theo đặc quyền riêng.
Năm 2024, UBND TPHCM tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa. Hiện Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đặt tại địa chỉ Lô P2 khu tái định cư, P.An Khánh, TP Thủ Đức (cũ) với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, tuyển sinh và đào tạo 10 lớp chuyên.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Ảnh: TĐN)
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nổi tiếng với chất lượng dạy học ở TPHCM và phía Nam. Ngôi trường mang tên giáo sư, viện sĩ, kỹ thuật quân sự Trần Đại Nghĩa có nhiều thế hệ học sinh đã thành danh, thành tài trong các lĩnh vực học thuật, khoa học, công nghệ…
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phongđược xây dựng vào năm 1927 với tên gọi Collège Petrus Ký (Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký). Từ ngôi trường này, các thế hệ học sinh, thanh niên yêu nước đã tham gia các phong trào cách mạng chống Pháp, chống Mỹ. Một trong những tấm gương chói lọi là Trần Văn Ơn, Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Thái Bình…
Cũng trong mái trường này, tuy trong lòng chế độ thực dân Pháp, đã sản sinh nhiều nhà giáo, nhà cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: GS Nguyễn Văn Chì, GS Phạm Thiều, KTS Huỳnh Tấn Phát, GS.VS Trần Đại Nghĩa, GS.NS Lưu Hữu Phước, Ông Mai Văn Bộ, Ông Huỳnh Văn Tiểng, Nhà bác học Trần Đại Xường, GS.BS Trịnh Kim Ảnh, GS.BS Nguyễn Tấn Gi Trọng, GS.NS Trần Văn Khê, GS Nguyễn Ngọc Trân....
Năm học 1976 trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Năm học 1981-1982 tổ chuyên toán đầu tiên ra đời. 10 năm sau trường chính thức được giao nhiệm vụ chuyên đào tạo học sinh giỏi cho TPHCM. Năm 1995 Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trung tâm chất lượng cao các tỉnh, thành phía Nam. Hiện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển sinh và đào tạo 12 lớp chuyên. Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng phía Nam được xem là vườn ươm, là nơi nuôi dưỡng của biết bao thế hệ học sinh tài năng của đất nước.
TPHCM sau sáp nhập sẽ có 2 trường chuyên khác là Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Bình Dương cũ) và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ).
Trường THPT chuyên Hùng Vương được thành lập tháng 10/1995 của UBND tỉnh Sông Bé (cũ), hoạt động từ tháng 4/1996. Trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh giỏi có chất lượng cao, những nhân tài tương lai phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương (cũ) nói riêng và đất nước nói chung. Hiện Trường THPT chuyên Hùng Vương tuyển sinh và đào tạo 9 lớp chuyên.
Năm 1988 Sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu bắt đầu tuyển sinh 2 lớp chuyên Văn và Toán khối lớp 6 cho mô hình lớp chuyên cấp 2 với 60 học sinh. Đây là khởi điểm của việc hình thành nên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hiện nay. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn từng qua nhiều lần chuyển địa điểm. Năm 1991, Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo ra quyết định thành lập Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (cũ) đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp khang trang, hiện đại. Hiện trường tuyển sinh và đào tạo 7 lớp chuyên, từng bước khẳng định được chất lượng đào tạo cho rất nhiều thế hệ học sinh.
TPHCM sẽ có 4 trường chuyên
Theo phương án sáp nhập 3 Sở GD-ĐT TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở GD-ĐT TPHCM mới là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM và tiếp nhận nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục của Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu và Sở GD-ĐT Bình Dương.
Trước mắt, biên chế và số lượng người làm việc của các phòng thuộc và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 3 sở khu vực sẽ được giữ nguyên; sẽ xây dựng lộ trình sắp xếp tinh giảm biên chế, tối thiểu là 20% số công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cơ sở vật chất dự kiến sẽ được giữ nguyên trạng. Lực lượng cán bộ, nhân viên, người lao động của Sở được bố trí làm việc tại 3 khu vực để đảm bảo công việc được giải quyết kịp thời, liên tục.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: Minh Hòa
Sau khi sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 1/7, HĐND TPHCM trong phiên họp thứ nhất chiều 1/7 đã ban hành nghị quyết chỉ định ông Nguyễn Văn Hiếu giữ chức Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM mới. Các Phó Giám đốc là Dương Trí Dũng, Nguyễn Bảo Quốc, Lê Thụy Mỵ Châu, Huỳnh Lê Như Trang, Nguyễn Thị Nhật Hằng, Nguyễn Văn Phong, Trương Hải Thanh, Trần Thị Ngọc Châu, Nguyễn Kế Toại.
Sở GD-ĐT TPHCM mới có các phòng: Văn phòng, Phòng Kiểm tra - Pháp chế, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Học sinh sinh viên, Phòng Quản lý chất lượng, Phòng Giáo dục Mầm non, Phòng Giáo dục phổ thông, Phòng Giáo dục thường xuyên - Nghề nghiệp và Đại học, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.
TPHCM mới sẽ có 4 trường chuyên là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Hùng Vương, Lê Quý Đôn.
Lê Huyền