Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đóng góp dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bổ sung quy định khung báo cáo đánh giá tác động về đạo đức khi nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ mới
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, quy định về hoạt động khoa học, công nghệ liên quan đến con người tại Điều 8 dự thảo luật đã nhấn mạnh nguyên tắc “con người là trung tâm” trong các nghiên cứu y sinh, công nghệ sinh học và đặc biệt là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI, cho thấy sự đồng bộ với các nguyên tắc đạo đức quốc tế. Yêu cầu phải có sự giám sát, kiểm soát chủ động của con người đối với hệ thống AI và tự động hóa là rất cần thiết, nhằm phòng ngừa các rủi ro về đạo đức, pháp lý và xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định khung về yêu cầu các tổ chức thực hiện nghiên cứu liên quan đến AI và công nghệ mới phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động về đạo đức. Việc này các nước trên thế giới đang làm, tương tự như trên các lĩnh vực khác là muốn thực hiện dự án đầu tư thì phải đánh giá tác động môi trường,... Bởi vì, vấn đề này đang rất khó vì vừa có mặt tích cực rất lớn nhưng cũng có những tác động tiêu cực tiềm ẩn và hệ quả của việc sử dụng, áp dụng mà trong điều kiện thực tiễn người dân chưa am hiểu kỹ và sử dụng hiệu quả, an toàn công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo AI.
Về chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Điều 9
Đại biểu Mỹ Dung cho rằng, dự thảo quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất tiến bộ, nhằm tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục được rất nhiều điểm nghẽn lớn hiện nay về chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ, đặc biệt là triển khai những chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, theo đại biểu Mỹ Dung, dự luật cần quy định rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật, để tránh lạm dụng rủi ro được chấp nhận. Nhất là những rủi ro liên quan đến đạo đức, môi trường, con người và những hậu quả đó cũng khó lường trước được, khó tính được bằng các số đo cụ thể như các lĩnh vực khác, có thể sẽ có những ảnh hưởng rất lớn.
Từ đó, đại biểu Mỹ Dung cho rằng, dự luật cần bổ sung quy định khung về cơ chế đánh giá và phê duyệt cũng như giám sát rủi ro và giao cho Chính phủ để quy định chi tiết về vấn đề này, nhằm xác định ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận cũng như với các hành vi cố tình vi phạm pháp luật là một thủ tục trước khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Mỹ Dung nêu: “Một đề án có thể được thực hiện sau khi Hội đồng khoa học đạo đức chấp nhận, xác định mức độ rủi ro và biện pháp phòng ngừa, tương ứng với phân loại các loại rủi ro: Kỹ thuật, tài chính, đạo đức – và ứng với mỗi loại là khung đánh giá, quản lý tương ứng. Nếu như người đó đã tuân thủ, thực hiện hết những nội dung phòng ngừa rủi ro, mà rủi ro vẫn xảy ra thì những rủi ro này được chấp nhận. Quy định này cũng tránh được sự tranh cãi với nhau về nội dung rủi ro được chấp nhận hay là vi phạm pháp luật nếu như chúng ta đưa đánh giá, phê duyệt rủi ro là thủ tục sau khi có rủi ro xảy ra”.
Bổ sung những chính sách đặc thù cụ thể nhằm thu hút chuyên gia nước ngoài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đối với chính sách đặc thù để thu hút chuyên gia nước ngoài, đại biểu Mỹ Dung đề nghị dự luật cần bổ sung quy định khung về những chính sách đặc thù để thu hút chuyên gia nước ngoài thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước như ưu đãi về visa, cư trú, lương, miễn thuế,... cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm. Vì nước ta vẫn còn thiếu hụt chuyên gia khoa học, công nghệ có trình độ cao. Việc thu hút chất xám quốc tế sẽ là "đòn bẩy" để thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm tại Điều 21 của dự thảo luật
Theo đại biểu Mỹ Dung, quy định loại trừ trách nhiệm đối với cơ quan quản lý và tổ chức/cá nhân khi đã tuân thủ đúng quy trình là cơ chế bảo vệ cần thiết, khuyến khích đổi mới và giảm tâm lý e ngại trách nhiệm khi triển khai các thử nghiệm mới; cân bằng giữa quyền và trách nhiệm.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ thế nào là “đã biết” hoặc “buộc phải biết” trong dự thảo luật, vì đây là yếu tố then chốt dễ gây tranh cãi pháp lý nếu không được giải thích cụ thể.
Ngoài ra, để bảo đảm đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, tránh xung đột pháp luật hoặc khoảng trống về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu giữa tổ chức chủ trì – tác giả – nhà nước, đại biểu Mỹ Dung đề nghị bổ sung một điều khoản nguyên tắc về liên thông dữ liệu, quy trình và quyền lợi giữa luật này với Luật Chuyển giao công nghệ, đặc biệt là quyền tác giả, quyền sở hữu tài sản trí tuệ khi nhà nước đầu tư./.
Kiến Quốc