Trụ sở nhỏ, bộ máy lớn
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, toàn tỉnh từ 129 xã, phường, thị trấn sáp nhập còn 45 xã, phường. Tùy điều kiện thực tế, đã sáp nhập từ 2 – 6 xã, phường cũ thành lập 1 đơn vị hành chính mới. Theo đó, có 10 xã trung tâm thừa hưởng trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp huyện cũ, có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi. Các xã còn lại sử dụng trụ sở xã cũ nên không tránh khỏi tình trạng chật hẹp, khó khăn.
Được biết, trụ sở xã, phường trước đây được đầu tư đảm bảo phục vụ số lượng biên chế từ 20 - 40 người. Nhiều trụ sở xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, sau sáp nhập, số lượng người làm việc tăng gấp vài lần, mỗi xã trung bình có 60 - 80 cán bộ, công chức, nơi nhiều nhất là hơn 100 người. Trụ sở nhỏ, nhân lực đông, không nơi nào đáp ứng đủ điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trụ sở cũ được thiết kế đáp ứng làm việc cho 20 - 40 người, trong khi bộ máy mới sau sáp nhập trung bình 60 - 80 người, nhiều xã gặp khó về cơ sở vật chất. Trong ảnh: Các bộ phận chuyên môn xã Sam Mứn làm việc chung trong nhà thi đấu đa năng của xã.
Xã Núa Ngam được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Núa Ngam, Hẹ Muông, Na Tông (huyện Điện Biên cũ), đặt trụ sở chính tại trụ sở của xã Núa Ngam cũ. Ông Cao Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: “Cơ sở vật chất ban đầu tại đây có 1 nhà 2 tầng với 8 phòng làm việc, mỗi phòng có diện tích 15m2 và 1 phòng họp 2 gian; 1 dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng làm việc; 1 nhà văn hóa xã (nhà sàn); 2 nhà vệ sinh đã xuống cấp. Trong khi đó cán bộ, công chức sau sắp xếp là 78 người, chưa tính cán bộ bán chuyên trách (hơn 20 người)”.
Tại xã vùng cao xa xôi Tủa Thàng (sáp nhập Tủa Thàng và Huổi Só, huyện Tủa Chùa cũ) còn khó khăn hơn nữa. Xã có 65 cán bộ, công chức nhưng trụ sở được đặt tại Huổi Só, là dãy nhà cấp 4 xuống cấp đã nhiều năm, vỏn vẹn 3 phòng làm việc, 1 phòng “một cửa”, thêm 1 nhà tôn dựng tạm. Xã đang được xây trụ sở tuy nhiên theo thiết kế cũ, từ khi chưa có chủ trương về sáp nhập, vận hành chính quyền 2 cấp.
Với hiện trạng cơ sở vật chất như trên, không thể đảm bảo nhu cầu công việc, chưa nói đến tạo điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt cho cán bộ, công chức (nhiều cán bộ ở xa do từ huyện cũ xuống nhận nhiệm vụ và xã khác sáp nhập vào). Vì vậy các xã đều phải nỗ lực vượt khó, gấp rút cải tạo, linh hoạt bố trí, sắp xếp nơi làm việc, đảm bảo nhu cầu tối thiểu, đáp ứng yêu công việc trước khi chính thức vận hành bộ máy mới và trong những ngày đầu đi vào hoạt động.
Linh hoạt bố trí
Xã Núa Ngam khắc phục sự chật hẹp bằng cách bố trí làm việc 2 địa điểm. Trụ sở chính dành cho khối Đảng và UBND xã, điểm thứ 2 đặt tại trụ sở xã Hẹ Muông cũ (cách khoảng 7km) là nơi làm việc của HĐND, Ủy ban MTTQ. Đồng thời cải tạo gầm sàn nhà văn hóa xã thành nơi làm việc, ốp vách chia phòng, là nơi Trung tâm Phục vụ hành chính công hoạt động và 2 gian làm việc cho Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa xã hội.
Ông Cao Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: “Do trước đó gầm sàn được công an xã, trạm y tế xã mượn tạm chờ xây trụ sở, mới di chuyển, nên mấy ngày đầu, anh em 2 phòng chuyên môn ngồi rải rác, cố gắng khắc phục. Sau khi 2 đơn vị chuyển đi, xã gấp rút cải tạo ngày đêm, hoàn thiện đưa các phòng làm việc vào sử dụng ngày 8/7. Tuy phòng làm việc chung còn chật hẹp nhưng sạch sẽ, gọn gàng, được lắp đặt điều hòa, giúp anh em yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Khó khăn nhất với xã bây giờ là công trình phụ và nơi lưu trú cho cán bộ, công chức nhà xa”.
Được biết trụ sở xã Núa Ngam cách trung tâm huyện cũ gần 20km, cách trung tâm xã Na Tông cũ 15km, một số bản xa 30 – 40km. Với nhân lực tiếp nhận từ huyện và các xã cũ, Núa Ngam có khoảng 40 cán bộ, công chức nhà xa phải nghỉ lại qua ngày hoặc trong ngày. “Hiện xã tận dụng phòng tạm dưới gầm sàn nhà văn hóa đáp ứng nghỉ trưa cho gần 10 người, ưu tiên chị em phụ nữ. Những người còn lại khắc phục bằng cách nghỉ tại phòng/ghế làm việc hoặc nhờ nhà người quen. Buổi trưa, anh chị em gọi cơm suất hoặc mang cơm từ nhà đi vì trụ sở không có bếp nấu” – ông Cao Văn Toàn chia sẻ thêm. Thời gian tới, xã thống nhất lập tờ trình gửi Sở Tài chính, cơ quan chức năng đề nghị bố trí kinh phí xây nhà công vụ, một số hạng mục phụ trợ, bếp ăn, nhà vệ sinh đảm bảo nhu cầu lưu trú cho cán bộ, công chức.
Còn tại Tủa Thàng, ông Vừ A Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Thật may có trụ sở cũ của Trường THCS Huổi Só sát cạnh không còn sử dụng, bàn giao cho xã làm trụ sở. Tại đây có dãy nhà 2 tầng 6 phòng học, chúng tôi ngăn thành những gian nhỏ bố trí phòng làm việc cho các bộ phận. Chúng tôi mượn thêm cả cơ sở của Bưu điện xã để làm việc. Còn dãy nhà cấp 4 của trụ sở xã Huổi Só cũ sắp xếp được 3 phòng làm việc và Trung tâm Phục vụ hành chính công, cơ bản tạm khắc phục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại trụ sở xã Tủa Thàng cũ bố trí một số công chức thường trực tiếp nhận giải quyết thủ tục hồ sơ cho người dân tại địa bàn, để bà con hạn chế phải đi lại vất vả”.
Xã Tủa Thàng sử dụng tạm trụ sở xã Huổi Só cũ xây dựng nhiều năm, đã xuống cấp, chờ trụ sở mới hoàn thiện.
Ngoài trụ sở, phòng làm việc, nơi ăn ở, sinh hoạt đang là bài toán nan giải của Tủa Thàng. Với vị trí xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Tủa Chùa cũ (cách trung tâm hơn 50km), có hơn 30 cán bộ, công chức phải lưu trú lại xã, cuối tuần mới có thể về với gia đình. Không có phòng nghỉ, thiếu công trình phụ, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, nên hiện tại xã đang mượn tạm phòng bán trú của học sinh và nhà công vụ của trường học làm nơi nghỉ cho cán bộ, công chức. “Sắp tới giáo viên, học sinh trở lại trường, nên xã đang đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở mới, sớm bàn giao trước thềm năm học để trả phòng công vụ, bán trú cho trường học. Tuy nhiên vì xây theo thiết kế cũ khi chưa có chủ trương sáp nhập nên trụ sở mới vẫn không đáp ứng đủ phòng làm việc, xã tiếp tục sử dụng lâu dài dãy nhà 2 tầng bỏ trống của trường học, sử dụng cả 2 trụ sở cách nhau 700m” – ông Vừ A Hùng thông tin thêm.
Những giải pháp bố trí, sắp xếp nơi làm việc, nơi ở đang được các xã thực hiện để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất làm việc và sinh hoạt. Cải tạo trụ sở, lắp ghép thêm gian/phòng làm việc, chia nhỏ cơ quan ra nhiều điểm, mượn nhà/phòng của đơn vị lân cận, thậm chí sử dụng tạm nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng thành “phòng làm việc” chung cho nhiều bộ phận... Mỗi xã đều chủ động, linh hoạt sắp xếp, tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có, nỗ lực không để ảnh hưởng, gián đoạn, ngưng trệ công việc.
Không ngại khó, ngại khổ
Đối diện với khó khăn những ngày đầu thành lập, cán bộ, công chức các xã cố gắng, nỗ lực với tinh thần không ngại khó, ngại khổ; ở vị trí, địa phương nào cũng là phục vụ nhân dân. Từ đó, xác định dù điều kiện làm việc và sinh hoạt thiếu thốn, di chuyển liên tục giữa các địa điểm cách xa nhau để giải quyết công việc (xã chia nhỏ nơi làm việc)... vẫn tự khắc phục, nỗ lực góp sức xây dựng xã mới.
Hết giờ làm việc buổi sáng, một số cán bộ, công chức xã Mường Mùn nghỉ trưa tạm tại phòng làm việc, hàng chục anh em nhà xa lại “rồng rắn” lái xe sang trụ sở xã Mùn Chung cũ (cách hơn 6km) để nghỉ ngơi, lấy sức cho công việc chiều. Xã Mường Mùn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Mường Mùn, Mùn Chung, Pú Xi của huyện Tuần Giáo cũ, trung tâm đặt tại xã Mường Mùn cũ.
Với 81 cán bộ, công chức, xã Mường Mùn không chỉ sửa sang lại trụ sở cũ mà cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình hiện có trong khuôn viên, bao gồm nhà văn hóa xã ngăn thành 7 phòng làm việc, nhà thi đấu đa năng thành hội trường họp. Bởi vậy, phải bố trí tầng 2 trụ sở xã Mùn Chung cũ (cách 6km) làm nơi nghỉ cho cán bộ, công chức nhà xa. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Mùn chia sẻ: “Tuy đi lại từ trụ sở này sang trụ sở kia hơi bất tiện nhưng đây là phương án phù hợp nhất trong điều kiện hiện có của xã và cũng được cán bộ, công chức ủng hộ. Anh em đều vui vẻ, không quản ngại đường sá với tinh thần không ngại khó, ngại khổ miễn sao đảm bảo điều kiện làm việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Sau sáp nhập, cả nghìn cán bộ, công chức toàn tỉnh phải đi làm xa, chưa có nhà công vụ không ít người chủ động tự thuê nơi ở để đảm bảo cuộc sống, yên tâm thực hiện công việc. Anh Sềnh A Chơ, Ủy ban Kiểm tra xã Núa Ngam trước là công chức xã Na Tông cũ, nhà ở bản Huổi Chanh, cách trung tâm xã hiện tại gần 30km, trong đó gần 10km đường đất, mùa mưa khó di chuyển. Vì vậy sau khi xã mới vận hành, anh Chơ đã thuê 1 nhà cấp 4 gần trụ sở để tiện đi lại với chi phí 800.000 đồng/tháng. Anh Chơ bộc bạch: “Nhà xa quá mà đang mùa mưa lầy lội không thể đi lại hàng ngày, nên tôi tìm thuê nhà ở, cuối tuần không bận mới về với gia đình được. Dù tốn thêm chi phí ăn ở nhưng xã mới đi vào hoạt động có nhiều công việc, nhiệm vụ, phải ổn định nơi ăn chốn nghỉ, mới dành hết thời gian và tâm sức cho công việc được”.
Đã ổn định nơi ăn ở gần trụ sở mới, anh Sềnh A Chơ, công chức xã Núa Ngam (ngoài cùng bên phải) dành thời gian tập trung cho công việc.
Mỗi cán bộ, công chức góp một phần nỗ lực, nhiệt huyết cống hiến, cả bộ máy chính quyền mới sẽ thêm sức mạnh vượt qua gian khó những ngày đầu, đi vào vận hành thông suốt, hiệu quả, viết trang sử mới cho mảnh đất Điện Biên.
Nguyễn Hiền