Cận cảnh buồng tập lái Su-30MK2 hiện đại do Việt Nam chế tạo

Cận cảnh buồng tập lái Su-30MK2 hiện đại do Việt Nam chế tạo
9 giờ trướcBài gốc
Trung đoàn Không quân 927 đã đưa vào sử dụng buồng tập lái tiêm kích Su-30MK2 kết hợp với trung tâm điều hành bay, tạo thành một "buồng lái giả định" hiện đại, giúp phi công huấn luyện trong điều kiện sát thực tế nhất.
Hệ thống buồng tập lái Su-30MK2 này là thành quả nghiên cứu và phát triển của các kỹ sư Bộ Quốc phòng Việt Nam, thay thế cho hệ thống cũ của Nga. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tự chủ công nghệ huấn luyện phi công.
Buồng tập được thiết kế mô phỏng đầy đủ hệ thống điều khiển của tiêm kích Su-30MK2 hiện đại, tích hợp công nghệ hình ảnh 3D giúp tái hiện chính xác môi trường và điều kiện bay thực tế.
Đây là điểm khác biệt nổi bật so với các thế hệ buồng tập cũ, giúp phi công thao tác nhanh, phản xạ chuẩn và rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả, đặc biệt hữu ích cho các phi công trẻ mới vào nghề.
Trước mỗi bài bay thật, phi công sẽ luyện tập trong buồng lái mô phỏng để thành thục các thao tác điều khiển, sử dụng vũ khí và trang thiết bị. Hệ thống này có khả năng tạo ra nhiều tình huống giả định, giúp phi công rèn luyện kỹ năng xử lý sự cố, tăng khả năng phản xạ và sự tự tin trong mọi tình huống.
Trung úy Nguyễn Đức Mạnh (phi công Trung đoàn 927, Sư đoàn 371) cho biết: "Buồng tập mô phỏng sát với thực tế đến 90%. Tôi đã luyện tập liên tục trong 1- 2 tháng trước khi thực hiện chuyến bay thật. Nhờ đó, tôi nắm vững các động tác cơ bản, cũng như cách xử lý trong điều kiện khí tượng xấu hay các sự cố có thể xảy ra trên không."
Buồng tập được lập trình sẵn hàng loạt tình huống giả định như hỏng hóc hệ thống, mất phương hướng, tầm nhìn hạn chế hay thời tiết đột biến xấu, giúp phi công chủ động rèn luyện và phản xạ chính xác trong điều kiện khẩn cấp. Toàn bộ các bài tập đều được các giáo viên điều khiển và đưa bài qua hệt thống giám sát.
Hệ thống này giúp phi công nhanh chóng làm chủ các thao tác, rèn luyện kỹ năng điều khiển và xử lý bất trắc trong môi trường an toàn. Từ đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, rút ngắn đáng kể số giờ bay thực tế, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro trong quá trình đào tạo.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hải – Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 927 – chia sẻ: "Trong mỗi chuyến bay, bất kỳ phi công nào cũng có thể gặp tình huống bất trắc. Buồng tập cho phép chúng tôi luyện tập các tình huống khẩn cấp ngay từ mặt đất. Ngay cả với những phi công dày dạn kinh nghiệm, khi lâu không bay hoặc chuẩn bị cho bài bay phức tạp, việc luyện tập lại trên buồng tập là cần thiết để đảm bảo an toàn và giữ vững phản xạ."
Buồng tập lái sử dụng giao diện tiếng Việt, dễ tích hợp các bài huấn luyện đơn giản và thân thiện hơn nhiều so với hệ thống cũ dùng tiếng Nga.
Việc lần đầu tự chế tạo thành công buồng tập Su-30MK2 đánh dấu bước tiến lớn của Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ huấn luyện bay hiện đại. Đây không chỉ là thành quả về mặt kỹ thuật, mà còn là minh chứng cho khả năng tự lực, tự cường trong lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam.
Sắp tới, Trung đoàn Không quân 927 sẽ đưa vào vận hành thêm buồng tập lái Su-30MK2, đồng thời sẽ giúp các phi công luyên tập bay theo biên đội 2 máy bay.
Nam Nguyễn
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/can-canh-buong-tap-lai-su-30mk2-hien-dai-do-viet-nam-che-tao-412566.html