Cận cảnh cây cầu gỗ lợp lá hơn 700 tuổi ở Nam Định

Cận cảnh cây cầu gỗ lợp lá hơn 700 tuổi ở Nam Định
2 ngày trướcBài gốc
Cầu lợp làng Kênh.
Cầu lợp làng Kênh có kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), được xây dựng vào thời Lý, cách đây khoảng 700 năm, sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng vào để tưới tiêu cho cả một vùng thuộc trấn Sơn Nam hạ.
Cây cầu này nối hai bờ sông Hải Ninh, cũng là con đường độc đạo dẫn vào chùa Cổ Lễ phục vụ người dân đi lễ chùa ngày xưa.
Cầu có 5 gian, chiều dài khoảng 10m, rộng 4m, cao 3m tính từ mặt sàn lên, hai bên đều có bục để ngồi. Toàn bộ cầu có 28 cột, trong đó 4 cột chính được cắm sâu dưới lòng sông, mỗi cột có đường kính trên 50cm.
Mặt sàn, khung cầu, vì kèo mái đều được làm bằng gỗ lim, trải qua hàng trăm năm vẫn không mối mọt.
Trải qua hơn 700 năm, cầu vẫn giữ được kiến trúc cổ kính. Cầu lợp làng Kênh đã được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn vào các năm 1883 và 1904 và gần đây nhất là năm 2014.
Thuở ban đầu, phần mái cầu được lợp bằng lá bổi (cói), ngày nay mái cầu được chuyển sang lợp bằng lá cọ.
Cầu lợp làng Kênh là điểm dừng chân nghỉ ngơi ưa thích của người dân địa phương.
Các bẹ cọ được gia cố, buộc chặt với vì kèo bằng sợi mây rất chắc chắn, không lo gió bão làm hỏng.
4 cột chính của cầu được cắm sâu dưới lòng sông. Theo thời gian, cột chính bị bào mòn, người dân đã thay cột gỗ mới.
Các cột, xà, sàn cầu được làm bằng gỗ lim. Người làng Kênh vẫn truyền tai nhau rằng, theo như các bậc tiền nhân kể lại, hệ thống mố cầu xưa kia được làm bằng đá xanh nguyên khối, nặng hàng tấn, vận chuyển bằng bè theo đường sông Hồng. Những thợ mộc có tay nghề cao khắp trấn Sơn Nam xưa được thuê về dựng cầu.
Vân Anh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/can-canh-cay-cau-go-lop-la-hon-700-tuoi-o-nam-dinh-post724709.html