Mới đây, khi cải tạo giếng làng, người dân ở thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang phát hiện một cấu trúc vuông có kè gỗ xung quanh. Độ sâu quan sát được bằng mắt khoảng 3m, tuy nhiên, chưa xác định được độ sâu thực tế của đáy giếng.
Ông Nguyễn Thế Định - Trưởng thôn Hạc Lâm cho hay: "Theo các cụ cao niên trong thôn, nước trong giếng từng được dùng cho sinh hoạt của dân làng. Trải qua thời gian, các gia đình có nguồn nước sạch nên giếng không còn dùng đến, bị lở nên nhìn như cái ao. Thời gian gần đây, bà con muốn cải tạo lại để không gian sạch đẹp hơn".
Việc phát hiện cấu trúc bằng gỗ xoắn trôn ốc ở giữa giếng là điều rất bất ngờ với dân thôn Hạc Lâm. "Trước năm 1980, cái giếng này vẫn được người dân lấy nước để sinh hoạt hàng ngày. Tôi vẫn nghĩ giếng chỉ có đáy phẳng, chưa từng được các cụ kể lại ở giữa giếng lại có cấu trúc bằng gỗ hình trôn ốc như thế. Vì vậy cấu trúc gỗ này có thể có từ rất lâu đời rồi", một cụ cao niên trong làng Hạc Lâm thông tin.
Hiện, người dân thôn Hạc Lâm đã báo cáo sự việc lên UBND xã Hương Lâm. Xã đề nghị người dân giữ nguyên hiện trạng, dừng việc cải tạo giếng để báo cáo, chờ chỉ đạo của cấp trên. TS Phạm Văn Triệu (Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, ông đã xem các hình ảnh về cấu trúc vuông, kiểu xoắn trôn ốc, được nghi là giếng cổ ở Hạc Lâm, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa.
"Đến nay, chúng tôi chưa thể xác định được niên đại của giếng vì phải lấy mẫu gỗ để làm xét nghiệm carbon phóng xạ (C14), đồng thời nghiên cứu thêm lối sống, cách đào giếng của người dân trong khu vực mới có thể kết luận một cách chính xác", TS Phạm Văn Triệu nói.
Theo ông Triệu, qua quan sát qua hình ảnh, giếng này có cấu trúc hình vuông độc đáo. Tuy nhiên, đây không phải là kiểu giếng truyền thống của người Việt ở khu vực Bắc Bộ. Giếng vuông là đặc trưng của khu vực miền Trung, phân bố chủ yếu từ khu vực Quảng Bình đến Bình Thuận. "Người dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ thời xưa chủ yếu dùng loại giếng mạch ngang - mặt giếng nằm sát mặt đất. Tuy nhiên, kiểu giếng này dễ bị nhiễm bẩn do đất cát rơi xuống.
Giếng phát hiện ở Hạc Lâm thuộc loại giếng mạch đứng - được đào sâu xuống lòng đất - giúp giữ nước luôn sạch. Điều này cho thấy sự tiến bộ trong kỹ thuật đào giếng và cuộc sống văn minh của người dân thời xưa", TS Triệu nêu quan điểm. Một chi tiết đáng chú ý là 4 bên đều được dùng gỗ để kè. Dù chưa xác định được tên loại gỗ nhưng yếu tố này cho thấy kỹ thuật đào giếng đã có tiến bộ.
"Gỗ được kè xung quanh không chỉ giúp thành giếng vững chắc hơn mà có thể mang lại tác dụng lọc nước, ngăn mạch nước bẩn tràn vào, giữ cho nước luôn sạch", ông Triệu nhận định.
TS Triệu nêu ý kiến, "ngoài cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân thì giếng có thể từng được dùng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng như: Nấu cơm, nấu xôi, làm cỗ, thực hiện các nghi lễ". Ông Triệu cho biết giếng vuông từng được phát hiện ở Việt Yên (Bắc Giang) và một số nơi quanh Hà Nội. Kiểu giếng này xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ khoảng thế kỷ 10-11.
Xem thêm video: Lâu đài Châu Âu thời Trung Cổ kiên cố như thế nào?. Nguồn KNNT
Gia Đạt
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/can-canh-gieng-co-xep-go-xoan-oc-doc-dao-o-bac-giang-2098955.html