Cận cảnh phố Hàng Lọng được 'đánh thức' sau nhiều năm ở Hà Nội

Cận cảnh phố Hàng Lọng được 'đánh thức' sau nhiều năm ở Hà Nội
11 giờ trướcBài gốc
VIDEO: Cận cảnh phố Hàng Lọng được 'đánh thức' sau nhiều năm lãng quên ở Hà Nội
HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Theo đó, Hà Nội sẽ đặt tên 38 tuyến đường, phố mới; điều chỉnh độ dài 06 tuyến đường, phố; đặt tên 14 công trình công cộng mới; đổi tên một công trình công cộng. Trong 38 tuyến đường, phố được đặt tên mới đợt này, đáng chú ý có phố Hàng Lọng (phường Cửa Nam), đây là tuyến phố mang dấu ấn lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Tên phố Hàng Lọng được đặt cho đoạn đường từ ngã tư giao phố Trần Bình Trọng đến ngã ba giao phố Yết Kiêu. Đoạn đường này dài 174m, rộng khoảng 7m, vỉa hè mỗi bên 3m.
Theo quan sát, đoạn đường được trải nhựa, một số đoạn xuống cấp, có cây xanh. Mật độ phương tiện giao thông qua đoạn đường trên không lớn.
Trên tuyến phố có nhiều trụ sở cơ quan như Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, mặt sau của Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Báo Lao động Thủ đô...
Phố Hàng Lọng là một tên gọi cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm xưa, xuất hiện từ cuối triều Lê, thuộc thôn Cung Tiên. Khu vực này từng chuyên làm và buôn bán kiệu, ô, lọng cho quan lại và đình chùa, từ đó hình thành tên gọi Hàng Lọng. Phố từng được gọi là đường Quan Lộ, Hàng Tàn, sau này đổi thành Nam Bộ, nay là đường Lê Duẩn.
Ở phố Hàng Lọng trước đây từng có đền thờ ông tổ nghề lọng, nghề thêu là Lê Công Hành. Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, việc phục hồi tên phố Hàng Lọng không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện nỗ lực bảo tồn ký ức đô thị, bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Trong 38 tên tuyến đường, phố mới, trong đó có phố Học Phi được đặt theo tên của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi - cha của nhà văn Chu Lai.
Phố Học Phi được đặt tên cho đoạn đường từ ngã ba giao phố Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao phố Xuân Quỳnh (phường Yên Hòa).
Nhà văn Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, bút danh là Tú Văn. Ông sinh năm 1913 tại Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng và từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1933. Khi hòa bình lập lại năm 1954, nhà văn Học Phi giữ chức Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Tại đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lần thứ nhất năm 1957 bầu ông là Tổng Thư ký hội. Nhà văn Học Phi giữ vị trí này cho đến lúc về hưu.
Tại phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tuyến phố mới Hồ Linh Quang
Tuyến phố chạy vòng quanh hồ Linh Quang, điểm đầu và điểm cuối tại số 61 ngõ Văn Chương 2
Người dân sinh sống ở đây cho biết, trước khi có tên phố Hồ Linh Quang, mọi người vẫn gọi là đường ven hồ.
Nam Giang
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/can-canh-pho-hang-long-duoc-danh-thuc-sau-nhieu-nam-o-ha-noi-post1760313.tpo