Ngày 20/11, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuyến đường sắt cao tốc này sẽ đi qua 20 tỉnh, thành với chiều dài tuyến khoảng 1.541km; bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Tại điểm cuối của tuyến đường sắt cao tốc, TP.HCM quy hoạch xây dựng ga Thủ Thiêm trên diện tích đất khoảng 17ha, nằm tại vị trí cực kỳ đắc địa.
Khu vực này nằm giữa đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, sát bên nút giao An Phú, đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; bên cạnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, vùng "đất vàng" của thành phố Thủ Đức.
Hiện tại, khu đất được rào chắn kỹ càng xung quanh. Bên trong hầu như là mặt bằng sạch, gồm một ao lớn, khu đầm lầy và một số hộ dân chưa được di dời.
Trong ảnh, một số hộ dân đang sinh sống bên trong khu quy hoạch xây dựng ga Thủ Thiêm.
Dự kiến tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn TP.HCM sẽ có chiều dài khoảng 13km. Hướng tuyến dự kiến từ Đồng Nai đi qua các nút giao Vành đai 3, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Vành đai 2, đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú và kết thúc tại ga Thủ Thiêm. (Hình ảnh bên trong khu đất đặt ga Thủ Thiêm hiện tại).
Về công nghệ, Chính phủ đề xuất hệ thống đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Tốc độ tàu khoảng 350km/h.
Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch ga Thủ Thiêm thành trung tâm giao thông cho cả đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành để đảm bảo sự đồng bộ với tuyến metro Bến Thành - Thủ Thiêm.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tốc độ cao và công nghệ tiên tiến, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh thành, còn tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng, kết nối hiệu quả các trung tâm kinh tế trọng điểm.
Khu vực quy hoạch ga Thủ Thiêm đang được rào chắn bằng tôn xung quanh.
Nếu được triển khai đúng tiến độ, dự án sẽ trở thành biểu tượng cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải, mang lại sự tiện nghi vượt trội và hứa hẹn thay đổi diện mạo giao thông đường sắt của Việt Nam nói chung, đặc biệt tại TP.HCM.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/can-canh-vi-tri-dac-dia-cua-nha-ga-cuoi-cung-tuyen-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-192241120110313231.htm