Bối cảnh mới về thuế của Hoa Kỳ: Cú hích cho sự chuyển đổi
Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ mở rộng phạm vi ra toàn thế giới. Hoa Kỳ siết chặt điều kiện truy xuất nguồn gốc, yêu cầu cao về tỷ lệ nội địa hóa và trách nhiệm xã hội-môi trường. Với các ngành hàng Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, nguy cơ bị áp thuế cao là hiện hữu.
Thực tế, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại, trong đó có trường hợp một doanh nghiệp ngành gỗ bị phạt tới 200% giá trị do không chứng minh được xuất xứ hợp pháp. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển mình từ tư duy thị trường đến phương thức sản xuất để trụ vững trong một sân chơi mới đầy khắt khe.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển ở khu vực Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI
Chiến lược xuất khẩu không thể chỉ trông chờ vào thị trường Hoa Kỳ mà cần đa dạng hóa thị trường và danh mục sản phẩm. Cần từng bước giảm phụ thuộc, đồng thời khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP...
Tiềm năng từ thị trường các nước phát triển như Liên minh châu Âu (EU) là rất lớn nếu doanh nghiệp đáp ứng tốt tiêu chuẩn kỹ thuật và truy xuất. Cùng với đó, danh mục hàng xuất khẩu cũng cần được tái cấu trúc theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ, giảm tỷ trọng các mặt hàng thô hoặc gia công. Việc đầu tư vào lĩnh vực như thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu nông sản... sẽ giúp nâng vị thế hàng Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng và xác thực xuất xứ. Một chiến lược xuất khẩu hiệu quả phải đi liền với khả năng chủ động chuỗi cung ứng. Tỷ lệ nội địa hóa hiện mới chỉ đạt khoảng 35-40% trong các ngành công nghiệp chế biến, trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là hơn 60%. Do đó, cần có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ và thiết lập các cụm liên kết ngành. Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế, tích hợp công nghệ số nhằm nâng cao tính minh bạch và đáp ứng quy định khắt khe từ các thị trường phát triển.
Chuyển đổi số và quản trị minh bạch, số hóa quy trình sản xuất, chứng từ và kiểm định không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn là công cụ để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường-xã hội-quản trị). Theo Bộ Công Thương, năm 2024, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ và vừa áp dụng chuyển đổi số bài bản, một con số cần được cải thiện mạnh mẽ. Có doanh nghiệp đã ứng dụng blockchain (công nghệ lưu trữ, chuyển tải thông tin bằng khối) để truy xuất nguồn gốc, giúp tăng giá bán xuất khẩu 15%. Một số đơn vị dệt may đã triển khai phần mềm quản trị ERP để đáp ứng yêu cầu kiểm toán nội bộ từ đối tác EU, Hoa Kỳ.
Cùng với đó, cần xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu riêng. Việt Nam hiện đứng thứ 20 toàn cầu về xuất khẩu, nhưng không nhiều doanh nghiệp được công nhận thương hiệu quốc gia (Vietnam value). Việc xây dựng thương hiệu “Made by Vietnam” thay vì chỉ là “Made in Vietnam” sẽ giúp hàng hóa Việt Nam định vị được giá trị riêng, nâng cao quyền định giá và sự tin cậy từ thị trường quốc tế. Hợp tác với các tổ chức như UNIDO, WIPO hay các hiệp hội tiêu chuẩn quốc tế sẽ là bàn đạp để doanh nghiệp tiếp cận những yêu cầu khắt khe, mở rộng thị trường và nâng tầm sản phẩm.
Cơ hội trong thách thức - Bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam
Đối với một số kiến nghị và giải pháp chính sách, cùng với hỗ trợ chuyển đổi chuỗi cung ứng, cần có chính sách tài chính, tín dụng và kỹ thuật để doanh nghiệp đầu tư vào nội địa hóa, công nghiệp hỗ trợ và xác thực xuất xứ. Cần tăng vai trò của hiệp hội ngành và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường cảnh báo rủi ro thương mại, xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ điều tra phòng vệ. Cần thiết lập cơ chế phản ứng nhanh và hỗ trợ pháp lý hiệu quả. Đẩy mạnh đàm phán song phương và hỗ trợ pháp lý. Đồng thời, phát triển hạ tầng logistics và khu công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, chi phí logistics chiếm tới 16-17% tổng sản phẩm trong nước (GDP), cao hơn mức trung bình thế giới. Đầu tư hạ tầng sẽ giúp hạ giá thành, nâng tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh.
Việc áp đặt thuế của Hoa Kỳ không chỉ là rào cản mà còn là lời cảnh tỉnh, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi toàn diện từ mô hình sản xuất, quản trị đến định vị thị trường. Đây là giai đoạn đòi hỏi bản lĩnh, sự chủ động và quyết tâm vượt lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Muốn giữ vững vị thế xuất khẩu và vươn tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không thể mãi là mắt xích yếu trong hệ sinh thái sản xuất. Đã đến lúc chúng ta chuyển mình từ làm thuê sang làm chủ, từ giá rẻ sang giá trị cao, từ phụ thuộc sang tự chủ, phát huy tinh thần tự tôn, tự lực, tự cường của dân tộc.
PGS, TS NGÔ TRÍ LONG