Cần cơ chế riêng để phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn

Cần cơ chế riêng để phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn
4 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Theo Quyết định này, 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu, một trong số đó là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Việc đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở là yêu cầu cấp thiết
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Việc đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở, phục vụ đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn tại các trường đại học ở Việt Nam trong giai đoạn tới là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Các trang thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm cơ sở giúp sinh viên, học viên nắm vững hơn các quy trình kỹ thuật cơ bản và nâng cao, có điều kiện thực hành một số bước công nghệ cơ bản trong quy trình chế tạo, đóng gói, kiểm tra đánh giá thử nghiệm các vật liệu và linh kiện bán dẫn.
Các trang thiết bị này cũng giúp giảng viên và người học triển khai hiệu quả hơn độ chế tạo linh kiện bán dẫn cơ bản, các thiết bị tạo màng mỏng, thiết bị quang khắc, thiết bị phân tích, kiểm tra tính chất vật liệu và một số loại linh kiện bán dẫn, một số thiết bị thực hành đại cương và chuyên đề cho sinh viên”.
Được biết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã có một số thiết bị. Tuy nhiên, các thiết bị này chưa đồng bộ, mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu về thực hành và nghiên cứu cho cán bộ và sinh viên, nhiều thiết bị đã xuống cấp sau hơn 10, 20 năm sử dụng liên tục.
Do vậy, việc nâng cấp và đầu tư mới trang bị phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở sẽ giúp công tác đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn của Nhà trường hiệu quả hơn, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế hiện nay.
Ngoài ra, các trang thiết bị trên sẽ nâng cao năng lực đào tạo về ngành Khoa học Vật liệu, Vật lý, Hóa Vật liệu, Toán-Cơ-Tin học, Kỹ thuật Điện tử và Tin học đang được triển khai giảng dạy trong những năm qua tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nghiên cứu chế tạo linh kiện bán dẫn tại Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Nhằm giải quyết một phần khó khăn về trang thiết bị trong những năm qua, các cán bộ giảng viên của nhà trường đã tích cực triển khai hợp tác nghiên cứu đào tạo với các trường đại học/viện nghiên cứu tại các nước phát triển để có thể sử dụng các trang thiết bị hiện đại mà nhà trường chưa có và học tập nâng cao kinh nghiệm vận hành thiết bị.
Hiên tại, nhà trường đã phối hợp với các khoa và trung tâm nghiên cứu xây dựng kế hoạch trang bị thiết bị nghiên cứu đồng bộ với trang thiết bị hiện có, cũng như lên kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý vận hành thiết bị tương ứng (tại các công ty cung cấp thiết bị, công ty công nghệ hay trường/viện có trang thiết bị tương tự) để vận hành phòng thí nghiệm tại các đơn vị thành viên hiệu quả nhất, phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu tại nhà trường”.
Để đào tạo nhân lực bán dẫn không chỉ cần máy móc, thiết bị hiện đại mà rất cần đội ngũ nhân lực am hiểu chuyên môn nhằm vận hành phòng thí nghiệm hiệu quả.
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, nhiều giảng viên của được nhà trưởng gửi đi đào tạo tiến sĩ và thực tập sau đại học tại các viện nghiên cứu và trường đại học lớn tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, một số nước châu Âu để tiếp cận các công nghệ hiện đại trong 40 năm qua. Các giảng viên khi quay về công tác tại nhà trường đã phát huy tốt năng lực chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu.
Đối với trường đại học, việc phát huy nội lực là cần thiết, tuy nhiên để nhanh chóng bứt phá vươn lên, nắm bắt cơ hội thì hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng.
Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu công nghệ bán dẫn cho phép tiếp cận nhanh đến công nghệ và kiến thức tiên tiến giúp đẩy nhanh quá trình phát triển, nhanh chóng đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã và đang triển khai hợp tác quốc tế (nghiên cứu, giảng dạy) với một số trường đại học hàng đầu về Công nghệ bán dẫn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để duy trì việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên chuyên ngành Vật liệu và Công nghệ bán dẫn.
Nhà trường cũng đẩy mạnh việc thu hút thêm nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước về trường công tác từ các nguồn sinh viên xuất sắc được gửi đi học và hoàn thành đào tạo sau đại học tại nước ngoài.
Dự kiến đào tạo chương trình cử nhân ngành Công nghệ bán từ năm 2025
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngay từ những năm 1970, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tiên phong trong xây dựng nguồn nhân lực để triển khai đào tạo nghiên cứu về vật lý bán dẫn và vật liệu/linh kiện bán dẫn để đáp ứng các yêu cầu trong quốc phòng tại thời điểm đất nước có chiến tranh và góp phần phát triển nền khoa học và kinh tế của đất nước trong thời bình.
Phòng sạch tại Trung tâm Nano và Năng lượng phục vụ cho nghiên cứu về công nghệ nano, công nghệ bán dẫn tại trường là một trong số các phòng sạch đang hoạt động tại các trường đại học/viện nghiên cứu trong cả nước.
Năm 1998, nhà trưởng mở thêm ngành Khoa học Vật liệu để tập trung chuyên sâu công tác đào tạo và nghiên cứu về vật liệu và công nghệ bán dẫn, vật liệu điện tử tiên tiến, công nghệ nano…
Năm 2020, ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học được đưa vào giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước về điện tử, công nghệ thông tin, thiết kế linh kiện/mạch, IoT và AI.
Nhận thấy yêu cầu nhân lực sau đại học ngày càng cấp thiết để đón nhận làn sóng đầu tư các công ty công nghệ bán dẫn lớn vào Việt Nam, từ năm 2019 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với Trường Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) triển khai đào tạo Chương trình liên kết quốc tế đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ bán dẫn để góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Nhà trường cũng đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác về đào tạo bậc cử nhân ngành Công nghệ bán dẫn với Đại học Quốc lập Yang Minh Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến đào tạo vào năm 2025.
Hiện tại, các khoa thành viên và các phòng chức năng trong trường đang phối hợp với trường đối tác để xây dựng kế hoạch đào tạo bậc đại học, các phương án tài chính kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý đào tạo, đồng thời hoàn thiện đề án tuyển sinh để trình Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét phê duyệt trong thời gian tới.
Nghiên cứu chế tạo linh kiện bán dẫn tại Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Để triển khai một cách tích cực và hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã định hướng các đơn vị triển khai những kế hoạch sau trên cơ sở nguồn lực cán bộ chuyên môn và trang thiết bị hiện hữu để:
Thứ nhất, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu vật liệu bán dẫn tiên tiến, công nghệ thiết kế chế tạo, năng lực phân tích trong/sau quá trình chế tạo và đóng gói chip bán dẫn.
Thứ hai, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu và tăng cường đào tạo cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, đóng gói, kiểm thử vật liệu và chip bán dẫn.
Thứ ba, cập nhật các chương trình đào tạo đại học/sau đại học về Vật liệu và Công nghệ bán dẫn, chú trọng nâng cao năng lực thực hành trong phòng thí nghiệm để sinh viên có thể phát triển kỹ năng nghiên cứu độc lập và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn.
Mục tiêu của nhà trường là đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ có trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu công việc của các công ty công nghệ bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới theo 2 định hướng sau:
Thứ nhất, tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao bậc đại học và sau đại học, xây dựng và trang bị cơ sở vật chất hiện đại, theo hướng nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về thiết kế chế tạo, đóng gói, kiểm thử vật liệu và chip bán dẫn, đóng góp quan trọng vào định hướng phát triển trở thành cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu hàng đầu về Công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực giảng dạy/nghiên cứu chất lượng cao, các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực vật liệu và chip bán dẫn phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghiệp bán dẫn của Chính phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Cần cơ chế riêng
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, nhằm phát triển chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, nhà trường dự kiến:
Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực đầu ra.
Hợp tác thiết kế các chương trình đào tạo tiên tiến hiện đại trên cơ sở kết hợp các chương trình đào tạo truyền thống và các chương trình đào tạo của nước phát triển trong lĩnh vực.
Phát huy nguồn lực giảng viên quốc tế, việc mời các chuyên gia và giảng viên quốc tế đến giảng dạy sẽ mang đến những kiến thức cập nhật mới nhất và phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Tạo cơ hội cho sinh viên trực tiếp được thực tập tại nước ngoài, tiếp cận các hệ thống phòng thí nghiệm, dây chuyền thiết bị hiện đại tại các công ty công nghệ để phát huy tối đa năng lực và khả năng bứt phá của người học.
Nâng cao khả năng cạnh tranh do sinh viên được đào tạo trong môi trường quốc tế sẽ có khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc đa văn hóa và cạnh tranh cao.
Hợp tác quốc tế để xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế, kết nối các trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn
Hợp tác quốc tế giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và làm việc.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, môi trường hợp tác quốc tế khuyến khích sự trao đổi ý tưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ.
Chia sẻ công nghệ các quốc gia phát triển có nền tảng công nghệ bán dẫn mạnh mẽ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến với các quốc gia đang phát triển;
Tiếp cận các thiết bị hiện đại, hợp tác quốc tế giúp các trường đại học và viện nghiên cứu có cơ hội tiếp cận các thiết bị và phòng thí nghiệm hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và đào tạo.
Xây dựng cộng đồng chuyên gia, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, kỹ sư giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ đó nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ.
Thúc đẩy nghiên cứu hợp tác trong các dự án nghiên cứu với sự tài trợ của Chính phủ, tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, vừa để đào tạo người học vừa để tạo các sản phẩm mới, động lực cho sự đột phá.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh minh họa: vnu.edu.vn
Để có thể thực hiện đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn hiệu quả, nhất là với việc đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn tại nhà trường, đại diện Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sau:
“Chương trình ‘Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2050’ là đề án tổng thể hết sức quan trọng nhằm giúp cả nước phát triển kinh tế, nâng cao năng lực phát triển và tạo khả năng cạnh tranh khoa học/kinh tế tri thức trong thời gian tới.
Đây là chương trình trọng điểm và được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, do vậy cần một cơ chế riêng (theo quy định của Luật) và một văn phòng trực thuộc điều hành của Thủ tướng để triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn.
Nếu chậm trễ trong triển khai, chúng ta sẽ dần mất cơ hội vì các công ty công nghệ bán dẫn đang có rất nhiều lựa chọn khác ngoài Việt Nam (Malaysia, Ấn độ, Thái Lan, Đông Âu…).
Chúng ta cũng cần xây dựng ngay đề án và nguồn kinh phí để đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài (tại các trường đại học/viện nghiên cứu và công ty công nghệ) để nâng cao trình độ giảng viên đang giảng dạy trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, làm nguồn giảng dạy cho cán bộ trường đại học/trường cao đẳng dạy nghề trong cả nước, cho sinh viên, học viên sau đại học.
Công nghệ bán dẫn tại các công ty công nghệ đã rất phát triển, do vậy việc nâng cao tri thức cho đội ngũ giảng viên nòng cốt là yêu cầu hết sức cấp thiết và việc triển khai này cần thực hiện ngay từ 1/2025".
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng lựa chọn một số trường đại học có kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành Vật liệu bán dẫn và Công nghệ bán dẫn trong thời gian qua để cấp kinh phí (hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt) để thu hút học sinh giỏi (nhân tài) cho công tác đào tạo cử nhân/kỹ sư chất lượng cao để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, tạo xu hướng thu hút nhiều học sinh học giỏi đăng ký theo học Công nghệ bán dẫn và AI nhằm đảo bảo mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư trong cả nước trong thời gian tới.
Nhà trường mong muốn Chính phủ xem xét sớm cung cấp kinh phí để các đơn vị đào tạo trọng điểm đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn để có các trang thiết bị cơ bản phục vụ đào tạo đại học và sau đại học chuyên sâu về Công nghệ bán dẫn ngay trong năm học 2025 tới đây.
Việc xây dựng chính sách trả lương cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia kỹ thuật cũng cần được xem xét sớm để có thể thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc cho các trường đại học, trong bối cảnh các công ty công nghệ đang phải cạnh tranh để tuyển thêm nhân lực.
Hồng Linh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/can-co-che-rieng-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post246323.gd