Đa dạng ngành nghề nông thôn
Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh với 7 nhóm ngành nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển NNNT. Trong đó, có 118 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác và hơn 6.800 hộ gia đình, với doanh thu hơn 735 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 13 nghìn lao động; thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/lao động/tháng. Những năm gần đây, số lượng NNNT phát triển mạnh và ổn định, quy mô và lĩnh vực ngành nghề đa dạng hơn. Nhiều sản phẩm đã có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng, đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh như: Mạch nha, đường phổi, nước mắm, mực tẩm... Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, cá nhân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp giấy công nhận cho 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống. Trong đó, 6 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có khoảng 500 cơ sở hoạt động, doanh thu ước đạt hơn 43 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Người dân ở thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) làm chổi đót.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ NNNT. Giai đoạn 2020 - 2024, UBND tỉnh đã thực hiện 11 dự án NNNT để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất NNNT. Trong đó, ưu tiên cho các cơ sở có sản phẩm OCOP đầu tư mở rộng sản xuất, mua máy móc, thiết bị sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, cung cấp cho thị trường, với tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng.
Tính đến tháng 2/2025, toàn tỉnh có hơn 240 sản phẩm OCOP còn thời hạn, với 18 sản phẩm OCOP 4 sao (trong số này có 2 sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 5 sao), còn lại là các sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Tất cả các sản phẩm OCOP đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc (mã QR Code), mã vạch. Có 130/240 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; đã xây dựng 13 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đa số các sản phẩm OCOP đều là sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh.
Vẫn còn những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn các sản phẩm NNNT hiện nay vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa; chất lượng sản phẩm không đồng đều; chưa đủ tiêu chuẩn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các làng nghề chưa tạo ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính đặc trưng để đầu tư chiều sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ việc gia tăng hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm. Sản phẩm còn đơn điệu, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Một số ngành nghề, nghề truyền thống đang dần mai một, không có người trẻ nối nghề như nghề gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống không đảm bảo tiêu chí theo quy định mới.
Để giải quyết thực trạng trên và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đầu năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển NNNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và Thị trường nông sản tỉnh, trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương để tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận các nghề truyền thống. Hỗ trợ các làng nghề, nghề truyền thống xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở có các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm. Tiếp tục bảo tồn các làng nghề, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa của các dân tộc.
Bài, ảnh: HỒNG HOA