Chiều 13/5, góp ý cho Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội phát biểu, quy định hiện hành tại Nghị định 95/2014 yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải trích tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, còn doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích tối đa 10%. Nghị quyết số 193/2025/QH15 thậm chí cho phép doanh nghiệp công nghệ cao được trích lập quỹ tới 20%. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này lại đưa ra mức tối đa chỉ 5%, chưa đúng với chủ trương thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà Bộ Chính trị và Quốc hội đang thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội khi góp ý cho Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã nhấn mạnh: "Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị yêu cầu có chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số, nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Dự thảo hiện tại khiến doanh nghiệp thiếu động lực, thiếu nguồn lực đầu tư dài hạn, trong khi đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".
Bên cạnh mức trích lập còn thấp, việc sử dụng quỹ hiện nay cũng gặp nhiều vướng mắc. Các quy định tại Thông tư 67/2022 về dự toán, định mức chi, kinh phí quản lý còn chưa phù hợp, khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, thậm chí e ngại sử dụng quỹ do không rõ khoản chi nào là hợp lệ.
Từ đó, đại biểu Trần Nhị Thị Hà kiến nghị: “Thứ nhất, cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo”.
Đại biểu cũng đề xuất mở rộng danh mục chi từ quỹ, bao gồm lương cho nhân sự nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia, mua linh kiện - vật tư - máy móc, tham dự hội thảo chuyên ngành… Đồng thời, kiến nghị giao Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục chi cụ thể, cho phép doanh nghiệp chi theo thực tế mà không bắt buộc phải lập đề tài nhiệm vụ riêng cho từng khoản.
Đối với điều khoản liên quan đến đặt hàng nghiên cứu khoa học (Điều 12 của Dự thảo), bà Hà cho rằng, cần làm rõ tính bắt buộc và tính định hướng để tránh hình thức. Theo đó, mỗi năm các bộ, ngành, địa phương cần công bố danh mục sản phẩm khoa học và công nghệ cần đặt hàng, nêu rõ đầu ra, tiêu chí đánh giá, địa chỉ ứng dụng - những vấn đề xuất phát từ thực tiễn quản lý và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nhị Hà nhấn mạnh: “Cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm của các bộ, ngành, địa phương phải dành cho đặt hàng các sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Việc quy định rõ ràng, một tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay”.
Cùng với đó, vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung quy định về phương án tài chính trong hoạt động đặt hàng, theo hướng khoán chi để tăng tính chủ động cho đơn vị chủ trì. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Hoàng Hợp
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/de-xuat-cho-doanh-nghiep-trich-15-thu-nhap-cho-quy-khcn-329310.htm