'Cần có chính sách khuyến khích sử dụng lao động là phụ nữ ngoài 40 tuổi'

'Cần có chính sách khuyến khích sử dụng lao động là phụ nữ ngoài 40 tuổi'
2 giờ trướcBài gốc
Sáng 27/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề việc làm cho người cao tuổi.
Cần có chính sách khuyến khích sử dụng lao động là phụ nữ ngoài 40 tuổi
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại khoản 8, điều 5 Dự thảo Luật quy định hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm hai đối tượng là phụ nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Lý do đại biểu đưa ra là phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 tuổi thường khó duy trì hoặc là tìm kiếm cơ hội việc làm mới bởi vì nhiều lý do như sự phân biệt về tuổi tác, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, vấn đề về gia đình, sức khỏe... Thực tế là hiện nay vẫn còn tình trạng là nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc là không tuyển dụng đối với đối tượng này.
Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng, việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động.
“Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi nhằm để khuyến khích họ tiếp tục sử dụng hoặc là có chính sách tuyển dụng, sử dụng đối với đối tượng này,” đại biểu đề xuất.
Hỗ trợ, giải quyết việc làm phù hợp cho người cao tuổi
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ). Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Góp ý về việc làm cho người cao tuổi, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho biết, Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số nhanh, với dự báo đến năm 2038 nhóm người cao tuổi của Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số, đến năm 2050 Việt Nam ở trong nhóm các nước có dân số già nhất thế giới.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy người cao tuổi từ 60-75 tuổi vẫn còn sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực làm việc tốt và còn có khả năng đóng góp, cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp và 70% phải phụ thuộc vào chính sách trợ cấp xã hội.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thiết kế vào dự thảo Luật một chương riêng quy định đầy đủ về nhận thức xã hội, việc làm, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi đối với vấn đề việc làm; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng dẫn chiếu đối với nội dung “khuyến khích người sử dụng lao động tuyển và sử dụng người lao động là người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng” đã được quy định tại khoản 3 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 cho đồng bộ.
Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi đồng thời, rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các quy định liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng việc bổ sung Điều 17 vào dự thảo Luật về hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi là một bước đi đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về chính sách việc làm cho người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số. Đại biểu đề nghị Nhà nước cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi như giảm thuế, hỗ trợ tiền mặt, vốn vay.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/can-co-chinh-sach-khuyen-khich-su-dung-lao-dong-la-phu-nu-ngoai-40-tuoi-36031.html